Bệnh gút là hậu quả của tình trạng tăng axit uric máu, gây lắng đọng tinh thể urat hình kim ở ngón chân cái và các khớp khác. Triệu chứng của bệnh gút bao gồm sưng, đau và cứng khớp.
Bệnh nhân gút cần được điều trị kịp thời vì nồng độ axit uric máu tăng cao có thể gây biến chứng tổn thương khớp và các bệnh lý thận. Sử dụng thuốc điều trị kết hợp với thay đổi chế độ dinh dưỡng giúp ngăn chặn các đợt khởi phát của bệnh.
Uống nước chanh là một trong những thói quen đem lại nhiều lợi ích cho bệnh nhân gút vì nước chanh đã được chứng minh là rất tốt cho sức khỏe, trong đó có tác dụng giảm nguy cơ bị sỏi thận. Một nghiên cứu được tiến hành gần đây cho thấy nước ép trái cây họ cam quýt có tác dụng giảm các triệu chứng của bệnh gút.
Tác dụng của nước chanh với bệnh gút
Hoạt chất uricosuric có trong chanh có tác dụng hạn chế sự tái hấp thu axit uric tại ống lượn gần – Nguồn ảnh: everythingetsy.comMột nghiên cứu năm 2017 cho thấy nước chanh và chiết xuất chanh giúp giảm nồng độ axit uric trong máu. Trong đó, đối tượng nghiên cứu là người trưởng thành có nồng độ axit uric cao đã uống nước chanh tươi hàng ngày trong vòng sáu tuần. Một nghiên cứu tương tự tiến hành thử nghiệm tác dụng chiết xuất chanh trên chuột có axit uric máu cao cũng cho thấy kết quả tích cực.
Một nghiên cứu lâm sàng khác đánh giá kết quả xét nghiệm máu của 75 người trường thành uống nước chanh tươi mỗi ngày. Đối tượng nghiên cứu gồm:
- Bệnh nhân gút
- Người có nồng độ axit uric máu cao nhưng không biểu hiện triệu chứng gút
- Người không tăng axit uric máu cũng như không mắc bệnh gút.
Sau sáu tuần, tất cả đối tượng trong cả 3 nhóm đều có nồng độ axit uric thấp hơn so với thời điểm ban đầu.
Những nghiên cứu trên kết luận rằng chanh và nước chanh có thể là một phương pháp giúp điều trị bệnh gút hữu hiệu cùng thuốc điều trị và thay đổi chế độ dinh dưỡng. Ngoài ra, chanh cũng có tác dụng giảm nguy cơ khởi phát bệnh gút ở người có nồng độ axit uric cao cũng như cân bằng nồng độ axit uric máu ở người có nồng độ axit uric trung bình.
Cơ chế tác dụng của nước chanh
Nước chanh giúp cân bằng nồng độ axit uric nhờ tác dụng kiềm hóa cơ thể, làm tăng nhẹ nồng độ pH trong máu và các loại khác, bao gồm cả nước tiểu.
Theo một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Y khoa Vương quốc Anh (British Medical Journal), uống nước chanh có tác dụng kiềm hóa cơ thể do kích thích cơ thể giải phóng nhiều canxi caronat. Đây là loại muối khi xuất hiện trong cơ thể sẽ tác dụng với axit uric tạo thành một hợp chất vô hại đồng thời giải phóng nước và khí carbonic. Phản ứng này giúp giảm nồng độ axit uric máu đồng thời giúp kiềm hóa máu.
Lượng nước chanh phù hợp cho bệnh nhân gút
Cần thêm nhiều nghiên cứu về lượng nước chanh cần thiết để mang lại hiệu quả trong việc giảm nồng độ axit uric máu. Các nghiên cứu ở trên đã dùng lượng nước chanh khác nhau. Trong nghiên cứu đầu tiên, đối tượng nghiên cứu được uống khoảng 30 ml nước chanh tươi nguyên chất tương đương 1 quả chanh mỗi ngày.
Đối tượng trong nghiên cứu thứ hai được uống một lượng tương tương chiết xuất 2 quả chanh tươi pha loãng trong 2 lít nước mỗi ngày.
Người ta chưa đánh giá được tác dụng của nước chanh đóng chai hoặc nước chanh đông lạnh cũng như liều lượng chính xác chiết xuất chanh cần cho bệnh nhân gút.
Ngoài ra, tất cả các nghiên cứu đều không ghi lại tác động của nước chanh lên những triệu chứng của bệnh gút. Đây là mối quan tâm thực sự của những người thường xuyên chịu ảnh hưởng từ các cơn gút cấp.
Cách pha nước chanh
Các nhà nghiên cứu chưa đánh giá được thời gian phát huy tác dụng cũng như lợi ích của nước chanh đối với triệu chứng của bệnh gút. Tuy nhiên, uống nước chanh hàng ngày ngay cả khi chưa biểu hiện triệu chứng có thể là một phần trong chế độ dinh dưỡng giúp ngăn ngừa bệnh gút.
Bạn nên uống nước ép của 1 - 2 quả chanh mỗi ngày. Để đảm bảo cung cấp đúng ít nhất 1 quả chanh, hãy vắt toàn bộ lượng nước này vào cốc định lượng trước khi pha loãng với nước. Bạn có thể dùng máy ép chanh cũng như lăn quả chanh trên mặt bàn trong vài phút trước khi ép để để lấy tối đa lượng nước chanh nguyên chất.
Cách phổ biến nhất để thưởng thức nước chanh là pha với nước. Nghiên cứu chỉ ra rằng nước chanh vẫn đem lại tác dụng điều trị bệnh gút khi được pha loãng. Bạn có thể uống nước chanh hoặc pha trà chanh nóng.
Ngoài ra, kết hợp nước cốt chanh với thảo mộc hoặc trà xanh cũng là một lựa chọn tuyệt vời. Thay vì tăng vị ngọt cho nước chanh bằng đường, hãy sử dụng các chất tạo ngọt không đường như đường cỏ ngọt hoặc kết hợp với bạc hà.
Tác dụng phụ khi lạm dụng nước chanh
Uống quá nhiều nước chanh có thể gây mòn rang do axit – Nguồn ảnh: wmsmile.comCác nghiên cứu đánh giá hiệu quả điều trị gút của nước chanh chưa đưa ra bất kỳ một tác dụng không mong muốn nào. Tuy nhiên, nước chanh có tính axit trước khi được tiêu hóa. Axit citric tự nhiên có trong chanh có thể làm mòn men răng (lớp bảo vệ ngoài cùng của răng).
Nước chanh cũng có thể gây kích ứng niêm mạc miệng, cổ họng và dạ dày. Để tránh những tác dụng không mong muốn, không nên uống nước chanh nguyên chất không pha loãng. Nên súc miệng bằng nước hoặc đánh răng ngay sau khi uống nước chanh.
Tổng kết
Hãy đi khám ngay nếu cơ thể biểu hiện bất kỳ triệu chứng nào của bệnh gút. Đau khớp có thể là triệu chứng của rất nhiều bệnh lý. Bác sĩ có thể xét nghiệm nồng độ axit uric trong máu để chẩn đoán bệnh gút.
Nước chanh giúp giảm nồng độ axit uric mặc dù không thể trực tiếp chữa khỏi bệnh gút hoặc các bệnh khác.
Một số phương pháp điều trị không phù hợp có thể làm triệu chứng của bệnh trở nên nghiêm trọng hơn. Yếu tố di truyền và các tình trạng bệnh lý khác như đái tháo đường, bệnh tim mạch, cholesterol máu cao và tăng huyết áp có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh gút.
Bệnh gút có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng nếu không được điều trị kịp thời. Thực hiện tất cả các biện pháp ngăn ngừa theo khuyến nghị của bác sĩ đồng thời tham khảo ý kiến của họ về một chế độ dinh dưỡng phù hợp.
Chủ đề liên quan: bệnh gút, thống phong, axit uric, tophi, cơn gút cấp, bệnh gút mạn, nước cốt chanh, nước ép chanh, chanh, cơ xương khớp.
Xem thêm:
- 10 biện pháp hỗ trợ điều trị bệnh gút tại nhà
- Bệnh gút ở khớp gối: Triệu chứng, nguyên nhân, chẩn đoán, điều trị và phòng ngừa
- Những điều cần biết về bệnh gút: Triệu chứng, nguyên nhân, biến chứng, điều trị và dự phòng
- Một số thông tin về bệnh gút ở gót chân: Chẩn đoán và điều trị
- 10 thực phẩm chức năng có thể hỗ trợ điều trị và phòng ngừa bệnh gút