Đây còn được gọi là phẫu thuật tạo hình khớp gối, hoặc “tái tạo bề mặt khớp gối”.
Phẫu thuật viên sẽ bọc các bộ phận cấu tạo thành khớp gối bằng các thành phần kim loại hoặc nhựa, hoặc lắp khớp giả. Phẫu thuật giúp đầu gối vận động đúng chức năng.
Phẫu thuật thay khớp gối có thể giúp những bệnh nhân bị thoái hóa khớp gối do viêm xương khớp, viêm khớp dạng thấp hoặc viêm khớp sau chấn thương làm tổn thương khớp gối.
Phẫu thuật khớp gối là một phẫu thuật thường quy. Hàng năm, hơn 600.000 ca phẫu thuật thay khớp gối được thực hiện tại Hoa Kỳ. Hầu hết bệnh nhân ở độ tuổi từ 50 đến 80 tuổi. Hơn 90% bệnh nhân cải thiện đáng kể mức độ đau và khả năng vận động.
Bệnh nhân cần tuân theo hướng dẫn chăm sóc đầu gối của bác sĩ phẫu thuật, trong 90% trường hợp, khớp gối sau khi phẫu thuật hoạt động tốt sau 15 năm và 80 - 85% trường hợp thay thế khớp có tuổi thọ đến 20 năm.
Định nghĩa và chỉ định phẫu thuật thay khớp gối
Thay khớp gối là một loại tạo hình khớp. Tạo hình khớp theo nghĩa đen có nghĩa là “phẫu thuật sửa chữa khớp” bao gồm phẫu thuật tái tạo và thay thế các khớp bị thoái hóa, sử dụng các bộ phận nhân tạo hoặc các bộ phận giả.
Khi sụn khớp của đầu gối bị tổn thương hoặc mòn sẽ gây ra tình trạng đau nhức, khớp gối khó cử động. Thay vì trượt qua nhau, xương sẽ ma sát và bào mòn lẫn nhau.
Khi được tạo hình khớp bệnh nhân sẽ đỡ đau hơn và khớp gối được vận động bình thường.
Khi nào cần thay khớp gối
Ba nguyên nhân phổ biến cần phải thay khớp gối:
Viêm xương khớp: loại viêm khớp này liên quan đến tuổi tác, nguyên nhân gây ra sự bào mòn dần dần của khớp gối. Nó chủ yếu ảnh hưởng đến bệnh nhân trên 50 tuổi, nhưng những người trẻ hơn có thể mắc bệnh này.
Viêm xương khớp là do tình trạng viêm, chấn thương và bào mòn sụn khớp. Dần dần sụn khớp mòn và các xương cọ xát vào nhau. Sau đó xương thường phát triển dày hơn, nhưng dẫn đến ma sát nhiều hơn và gây đau nhiều hơn.
Viêm khớp dạng thấp: còn được gọi là viêm khớp, màng hoạt dịch khớp gối dày và viêm. Viêm mãn tính làm tổn thương sụn, gây đau nhức và cứng khớp.
Viêm khớp sau chấn thương: loại viêm khớp này là do đầu gối bị chấn thương nặng. Khi các xương xung quanh đầu gối bị gãy hoặc các dây chằng bị rách, sẽ ảnh hưởng đến sụn khớp gối.
Chỉ định thay khớp gối
Phẫu thuật khớp gối có thể được chỉ định ở những bệnh nhân:
- Đau hoặc cứng đầu gối nặng lên khiến người bệnh không thể thực hiện các công việc và hoạt động hàng ngày, như đi bộ, lên cầu thang, ra vào ô tô, đứng dậy khỏi ghế
- Đau đầu gối vừa phải nhưng liên tục, đau khi ngủ hoặc nghỉ ngơi
- Viêm và sưng đầu gối mãn tính không cải thiện sau khi dùng thuốc hoặc nghỉ ngơi
- Biến dạng đầu gối, khớp gối có thể cong từ bên trong hoặc bên ngoài
- Trầm cảm, do không có khả năng thực hiện các hoạt động hàng ngày hoặc các hoạt động xã hội
Nếu các phương pháp điều trị khác không hiệu quả, phẫu thuật có thể là lựa chọn tốt nhất.
Các loại phẫu thuật thay khớp gối
Thay khớp gối có thể toàn bộ hoặc thay bán phần.
Thay khớp gối toàn phần (TKR – total knee replacement): Phẫu thuật thay thế cả hai diện khớp gối. Đây là phẫu thuật phổ biến.
Ca phẫu thuật kéo dài từ 1 đến 3 giờ. Người bệnh sẽ giảm đau hơn và vận động trở lại được, nhưng phẫu thuật để lại sẹo có thể gây khó khăn cho việc di chuyển và gập đầu gối.
Thay khớp gối bán phần (PKR – partial knee replacement): Thay bán phần là thay một phần của khớp gối. Phẫu thuật cắt bỏ 1 phần xương, do đó vết mổ nhỏ hơn và thời gian phẫu thuật không kéo dài như thay toàn phần.
Thay khớp gối bán phần thường được chỉ định ở những bệnh nhân bị tổn thương một phần khớp gối. Phục hồi chức năng sau phẫu thuật dễ dàng hơn, mất ít máu và giảm nguy cơ nhiễm trùng và huyết khối.
Thời gian nằm viện và thời gian hồi phục thường ngắn hơn, và có khả năng vận động tự nhiên hơn.
Chuẩn bị phẫu thuật
Tạo hình khớp gối là một cuộc phẫu thuật lớn, do vậy để chuẩn bị trước khi phẫu thuật, người bệnh cần khám, đánh giá trước mổ khoảng 01 tháng.
Các xét nghiệm chuẩn bị và chẩn đoán như công thức máu, đông máu, điện tâm đồ (ECG) và xét nghiệm nước tiểu.
Phẫu thuật thường được thực hiện dưới gây mê toàn thân, tủy sống hoặc ngoài màng cứng.
Trong quá trình phẫu thuật, bác sĩ chỉnh hình sẽ loại bỏ sụn và xương hỏng, sau đó đặt khớp giả làm bằng kim loại, nhựa hoặc cả hai, để tạo khả năng liên kết và đảm bảo chức năng của đầu gối.
Phục hồi sau phẫu thuật
Bệnh nhân được phẫu thuật thay khớp gối sẽ nằm viện từ 1 đến 3 ngày, tùy thuộc vào mức độ và đáp ứng phục hồi chức năng của bệnh nhân.
Sau phẫu thuật người bệnh sẽ còn cảm giác đau. Nhân viên y tế khuyến khích bệnh nhân đứng dậy và cố gắng đi lại bằng dụng cụ hỗ trợ ngày đầu sau phẫu thuật. Điều quan trọng là phải tuân theo các hướng dẫn để tập phục hồi chức năng.
Người bệnh cần thực hành vật lý trị liệu để tăng cường sức mạnh cho đầu gối. Tập luyện có thể gây đau, nhưng làm giảm đáng kể nguy cơ biến chứng về sau.
Những bệnh nhân không có người giúp đỡ tại nhà có thể phải nằm viện lâu hơn.
Tập phục hồi chức năng tại nhà
Theo Hiệp hội Ngoại khoa về khớp gối và khớp háng Hoa Kỳ (AAHKS), có thể mất đến 3 tháng để hồi phục hoàn toàn sau phẫu thuật thay khớp gối.
Người bệnh có thể được lái xe sau 4 đến 6 tuần, và trở lại làm việc sau 6 đến 8 tuần. Người bệnh cần tập vật lý trị liệu trong 3 tháng.
Người bệnh phải tuân thủ các hướng dẫn của bác sĩ, y tá và nhà vật lý trị liệu.
Người bệnh có thể cần:
- Bổ sung sắt để hỗ trợ lành vết thương và sức mạnh cơ bắp
- Không cúi và nâng vật nặng, ít nhất là trong vài tuần đầu tiên
- Không đứng trong thời gian dài, vì làm sưng mắt cá
- Sử dụng nạng, gậy hoặc khung tập đi cho đến khi đầu gối đủ khỏe để chịu trọng lượng cơ thể
- Sử dụng thuốc theo hướng dẫn
- Thực hiện các bài tập được khuyến nghị để vận động thích hợp
- Nâng cao chân đã phẫu thuật khi ngồi
- Tránh ngâm vết thương cho đến khi vết sẹo lành vì nguy cơ nhiễm trùng.
- Theo dõi các dấu hiệu và triệu chứng nhiễm trùng, huyết khối hoặc thuyên tắc phổi
Nên thực hiện các biện pháp phòng ngừa để tránh bị ngã, do đó tránh một cuộc phẫu thuật nữa.
Các biện pháp hữu ích như:
- Sử dụng cầu thang có tay vịn chắc chắn, băng ghế dài hoặc ghế vững chắc để không bị trượt khi tắm
- Nên ngủ ở tầng dưới để tránh phải leo cầu thang
- Sử dụng thảm cố định, không dùng thảm nhăn
- Tránh các nguy cơ chấn thương, như sử dụng dây buộc không chặt
Hầu hết mọi người có thể hoạt động bình thường sau 6 tuần phẫu thuật, nhưng có thể bị đau và sưng kéo dài 3 tháng, sẹo và cơ sẽ vẫn lành trong 2 năm tiếp theo.
Các vật dụng có thể giúp ích cho việc nhà:
- Bệ ngồi toilet cao
- Một cây gậy để nhặt các vật từ sàn nhà
- Một móc giày cán dài
Bệnh nhân đã phẫu thuật thay khớp gối có thể tham gia vào các hoạt động thể dục vừa phải và ít tác động, như đi bộ, bơi lội và đi xe đạp, nhưng nên tránh các môn thể thao quá sức.
Nguy cơ và biến chứng
Thay toàn bộ khớp gối có tỷ lệ biến chứng thấp.
Các biến chứng có thể xảy ra như:
- Nhiễm trùng, gặp ở 2% bệnh nhân sau phẫu thuật
- Huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới (DVT)
- Cục máu đông trong phổi, hoặc thuyên tắc phổi
- Gãy xương trong hoặc sau khi phẫu thuật
- Tổn thương dây thần kinh, dẫn đến tê hoặc yếu
- Đau hoặc cứng khớp không giảm
Bệnh nhân có dấu hiệu nhiễm trùng hoặc huyết khối cần đến khám bác sĩ ngay.
Các dấu hiệu nhiễm trùng như; sốt, mẩn đỏ, sưng tấy, chảy máu, chảy dịch hoặc tăng cảm giác đau xung quanh vị trí phẫu thuật.
Nếu có mẩn đỏ, đau hoặc sưng bên dưới đầu gối, hoặc ở bắp chân, mắt cá chân hoặc bàn chân, có thể là dấu hiệu của huyết khối. Khó thở hoặc đau ngực có thể gợi ý có cục máu đông trong phổi.
Các biến chứng khác như:
- Phản ứng dị ứng với xi măng xương
- Hình thành xương thừa xung quanh khớp gối nhân tạo, dẫn đến hạn chế vận động khớp gối
- Sẹo to hạn chế cử động của đầu gối
- Xương bánh chè không cố định, dẫn đến tình trạng trật khớp ngoài đầu gối, gây đau nhiều
- Tổn thương dây chằng, động mạch hoặc dây thần kinh xung quanh khớp gối
- Trật khớp xương bánh chè
- Chảy máu khớp gối
- Bào mòn thành phần khớp giả, dẫn đến lỏng lẻo khớp
Nếu phần khớp thay thế bị lỏng hoặc mòn, nhiễm trùng nặng hoặc nếu bị ngã có thể cần phải phẫu thuật lại.
Các lựa chọn thay thế cho phẫu thuật
Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của tổn thương, một số phương pháp điều trị khác có thể được áp dụng mà không cần phẫu thuật. Tuy nhiên, phẫu thuật thay khớp gối thường cho kết quả lâu dài tốt hơn.
Thay xương bánh chè có thể được chỉ định khi chỉ có xương bánh chè bị tổn thương. Đây là một phẫu thuật ngắn với thời gian phục hồi nhanh.
Phẫu thuật đường mổ nhỏ (MIS) bao gồm một vết cắt nhỏ ở phía trước đầu gối, qua đó các dụng cụ chuyên dụng được đưa vào để di chuyển xung quanh mô. Phẫu thuật ít gây hại cho khớp, thời gian phục hồi nhanh chóng và ít gây đau đớn.
Phẫu thuật dưới hướng dẫn hình ảnh sử dụng hình ảnh vi tính hóa và đèn hồng ngoại để thực hiện phẫu thuật trong khi đó bác sĩ thao tác từ một phòng mổ khác.
Nội soi rửa và khử trùng khớp: dùng một ống nội soi khớp, một kính hiển vi nhỏ đi qua vết mổ nhỏ ở đầu gối. Bác sĩ phẫu thuật rửa đầu gối bằng dung dịch nước muối để loại bỏ các mảnh xương nhỏ. Thủ thuật này không được chỉ định ở những bệnh nhân bị viêm khớp nặng.
Cắt xương là một phẫu thuật mở, cắt và sắp xếp lại xương chày. Sau đó, bệnh nhân sẽ không còn chịu trọng lượng cơ thể trên một phần của đầu gối. Phẫu thuật được chỉ định ở những bệnh nhân trẻ bị viêm khớp hạn chế, để trì hoãn thay thế đầu gối.
Ghép tế bào tự thân (ACI) đưa sụn từ tế bào của chính bệnh nhân vào vùng bị tổn thương. Các tế bào nhân tạo được nuôi cấy trong ống nghiệm. Phương pháp này phổ biến hơn trong các trường hợp chấn thương do tai nạn.