Continue with GoogleContinue with Google. Opens in new tab
Một số người sinh ra không có lách hoặc phải cắt bỏ lách vì bệnh lý hoặc chấn thương. ...

Lách là một cơ quan có kích thước khoảng một nắm tay, nằm ở phía trên bên trái của bụng, bên cạnh dạ dày và phía sau xương sườn trái.

Lách là một phần quan trọng của hệ thống miễn dịch, nhưng bạn vẫn có thể sống nếu không có lách. Điều này là do gan có thể đảm nhận nhiều chức năng của lách.

Chức năng của lách

Lách có một số chức năng quan trọng:

  • Chống lại vi trùng xâm nhập vào máu (lách chứa các tế bào bạch cầu chống nhiễm trùng)
  • Điều hòa số lượng của các tế bào máu (bạch cầu, hồng cầu và tiểu cầu)
  • Lọc máu và loại bỏ các tế bào hồng cầu già hoặc bị hư hỏng

Bệnh lý lách

Lách hoạt động bất thường

Nếu lá lách hoạt động bất thường, nó có thể loại bỏ các tế bào máu khỏe mạnh.

Điều này có thể dẫn đến:

  • Thiếu máu do giảm số lượng tế bào hồng cầu
  • Tăng nguy cơ nhiễm trùng do số lượng bạch cầu giảm
  • Chảy máu hoặc bầm tím do giảm số lượng tiểu cầu

Đau vùng lách

Đau vùng lách thường được mô tả như một cơn đau phía sau xương sườn bên trái. Có thể có phản ứng khi chạm vào vùng này.

Đây có thể là dấu hiệu của lách bị chấn thương hoặc phì đại.

Chấn thương lách

Lá lách có thể bị tổn thương hoặc vỡ sau một chấn thương chẳng hạn như một cú đánh vào bụng, tai nạn xe hơi, tai nạn thể thao hoặc gãy xương sườn.

Vỡ lách có thể xảy ra ngay hoặc vài tuần sau chấn thương.

Các dấu hiệu của chấn thương lách là:

  • Đau sau xương sườn trái và đau khi chạm vào vùng này
  • Chóng mặtnhịp tim nhanh (dấu hiệu của hạ huyết áp do mất máu)
  • Cảm thấy đau nhức ở mỏm cùng vai trái khi nằm xuống và nâng cao chân lên

Vỡ lách là một trường hợp cấp cứu, vì nó có thể gây chảy máu đe dọa tính mạng.

Lách to

Lách có thể bị sưng lên sau khi bị nhiễm trùng hoặc chấn thương. Nó cũng có thể phì đại do bệnh lý như xơ gan, bệnh bạch cầu hoặc viêm khớp dạng thấp.

Lách to không phải lúc nào cũng gây ra các triệu chứng.

Một số triệu chứng có thể gặp:

  • Cảm thấy no nhanh sau khi ăn (lá lách to có thể đè lên dạ dày)
  • Cảm thấy khó chịu hoặc đau sau xương sườn trái
  • Thiếu máu và mệt mỏi
  • Thường xuyên bị nhiễm trùng 
  • Dễ chảy máu

Các bác sĩ có thể chẩn đoán lách to bằng khám bụng. Xét nghiệm máu, chụp CT hoặc chụp MRI có thể giúp chẩn đoán xác định.

Lách to thường không cần phẫu thuật cắt bỏ. Khi đó cần được theo dõi và điều trị các bệnh lý nền gây ra lách to. Người bệnh có thể được điều trị kháng sinh cho tình trạng nhiễm trùng.

Người bệnh sẽ cần tránh hoạt động thể thao trong một thời gian, vì có nguy cơ bị vỡ lách cao hơn khi lách to.

Phẫu thuật chỉ cần thiết khi lách to gây ra các biến chứng nghiêm trọng hoặc không tìm được nguyên nhân.

Phẫu thuật cắt lách

Người bệnh được chỉ định phẫu thuật cắt lách nếu nó hoạt động không bình thường hoặc bị tổn thương, bệnh lý hoặc lách to.

Đôi khi chỉ cần phẫu thuật cắt bỏ một phần lách.

Nếu có thể trì hoãn, người bệnh sẽ được khuyên nên tiêm phòng trước khi phẫu thuật. Điều này là do việc cắt bỏ lách làm suy yếu hệ thống miễn dịch và có thể dễ bị nhiễm trùng.     

Phẫu thuật nội soi

Hầu hết các thao tác để loại bỏ lách được thực hiện bằng phương pháp phẫu thuật “lỗ khóa” (hay còn gọi là nội soi ổ bụng).

Cắt lách bằng nội soi cho phép bác sĩ phẫu thuật can thiệp vào bên trong bụng mà không cần rạch bụng nhiều.

Do đó sẽ để lại ít sẹo hơn và phục hồi sau phẫu thuật nhanh hơn. Nhưng bạn vẫn cần được gây mê toàn thân.

Thủ thuật bao gồm các bước:

  • Rạch một vài vết nhỏ trên bụng
  • Đưa dụng cụ camera qua vào trong để ghi hình ảnh các thao tác trong ổ bụng
  • Đưa các dụng cụ nhỏ vào bụng qua các vết cắt khác để cắt bỏ lách (quá trình này sẽ bơm khí vào bụng để dễ dàng thao tác hơn)

Các vết mổ được khâu lại hoặc đôi khi được dán lại.

Người bệnh có thể về nhà ngay trong ngày hoặc có thể phải nằm viện theo dõi.

Nếu ra về trong ngày, sẽ cần có người chăm sóc trong 24 giờ đầu tiên sau mổ.

Mổ mở

Phẫu thuật mở cần phải rạch một vết mổ lớn. Phẫu thuật này được chỉ định khi lách bị tổn thương nhiều hoặc lách quá to không thể thực hiện mổ nội soi. Thông thường, mổ mở là phương pháp được ưu tiên trong các trường hợp cấp cứu.

Phẫu thuật cần gây mê toàn thân và có thể phải nằm viện vài ngày để hồi phục.

Hồi phục sau phẫu thuật cắt lách

Sau mổ người bệnh có cảm giác đau và bầm tím. Đây là triệu chứng thường gặp và thường điều trị bằng thuốc giảm đau.

Người bệnh có thể ăn uống bình thường ngay sau khi phẫu thuật.

Giống như bất kỳ cuộc phẫu thuật nào, việc cắt bỏ lách cũng có biến chứng nhẹ như chảy máu và nhiễm trùng.

Bác sĩ sẽ giải thích về những nguy cơ này cho người bệnh.

Người bệnh nên thực hành các bài tập thở và tập chân tại nhà để giảm nguy cơ huyết khối và viêm phổi.

Một nguy cơ khác như vết mổ bị nhiễm trùng. Nếu người bệnh có dấu hiệu nhiễm trùng, hãy liên hệ với bác sĩ gia đình hoặc bệnh viện ngay vì có thể cần điều trị kháng sinh.

Quá trình phục hồi thường mất một vài tuần. Bác sĩ hoặc y tá sẽ tư vấn chế độ sinh hoạt phù hợp cho đến khi trở về bình thường.

Sống chung với cơ thể không có lách

Khi lách cần được cắt bỏ, các cơ quan khác như gan có thể đảm nhận nhiều chức năng của lách.

Điều này có nghĩa là người bệnh vẫn có thể đối phó với hầu hết các bệnh nhiễm trùng. Nhưng có một nguy cơ là nhiễm trùng nghiêm trọng có thể phát triển nhanh. Nguy cơ nhiễm trùng có thể xảy ra suốt đời kể từ khi cắt lách.

Trẻ nhỏ có nguy cơ bị nhiễm trùng nặng cao hơn người lớn, nhưng nguy cơ vẫn thấp.

Nguy cơ cũng tăng lên nếu người bị bệnh lý như thiếu máu hồng cầu hình liềm hoặc bệnh celiac hoặc tình trạng sức khỏe ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch chẳng hạn như HIV.

Nguy cơ này có thể được giảm thiểu bằng cách thực hiện các biện pháp đơn giản để ngăn ngừa nhiễm trùng. 

Tiêm vaccine

Kiểm tra với bác sĩ phẫu thuật khi tiêm tất cả các loại vắc xin định kỳ.

Người bệnh cũng nên được tiêm các loại vaccine ngừa:

  • Nhiễm trùng phế cầu khuẩn chẳng hạn như viêm phổi, tiêm nhắc lại mỗi 5 năm
  • Cúm (hàng năm)
  • Viêm màng não cầu khuẩn: MenACWY
  • Viêm màng não cầu khuẩn: MenB

Thuốc kháng sinh

Người bệnh có thể phải dùng thuốc kháng sinh liều thấp hàng ngày để ngăn ngừa nhiễm trùng do vi khuẩn.

Đối tượng cần dùng kháng sinh:

  • Trẻ em dưới 16 tuổi
  • Trong 2 năm đầu tiên sau khi cắt lách
  • Nếu hệ thống miễn dịch không hoạt động bình thường

Cảnh giác với các dấu hiệu nhiễm trùng

Cần đến gặp bác sĩ nếu có dấu hiệu nhiễm trùng.

Các dấu hiệu nhiễm trùng như:

  • Sốt
  • Đau họng
  • Ho
  • Đau đầu dữ dội
  • Đau đầu kèm theo lơ mơ hoặc phát ban
  • Đau bụng
  • Đỏ và sưng quanh vết mổ

Bác sĩ đa khoa có thể kê một đợt kháng sinh để điều trị nhiễm trùng.

Nếu tình trạng nhiễm trùng trở nên nghiêm trọng, người bệnh phải nhập viện.

Cẩn thận với vết cắn của động vật và ve

Vết cắn của động vật và ký sinh trùng nhỏ hay hút máu như ve có thể gây nhiễm trùng.

Nếu bị động vật cắn đặc biệt là chó, hãy dùng ngay kháng sinh nếu sẵn có và trao đổi với bác sĩ ngay về vấn đề này.

Nếu bạn thường xuyên đi bộ xuyên rừng hoặc cắm trại, bạn có thể có nguy cơ mắc bệnh Lyme một bệnh lây truyền qua ve.

Cố gắng tránh bị ve cắn bằng cách mặc quần áo kín, đặc biệt là quần dài.

Nếu bạn bị bệnh, hãy gọi cho bác sĩ ngay.

Thông báo cho bác sĩ về bệnh lý của lách

Các bác sĩ sẽ đánh dấu hồ sơ sức khỏe về bệnh lý lách của bạn.

Nhưng hãy luôn nhớ thông báo với bất kỳ bác sĩ nào mà bạn đi khám, kể cả nha sĩ của bạn.

Mang theo thẻ y tế

Bạn nên mang theo hoặc đeo một số giấy tờ tùy thân y tế.

Ví dụ:

  • Nếu đã cắt lách, bệnh viện có thể cung cấp một thẻ cắt lách để bạn mang theo.
  • Bạn có thể mua thẻ y tế cho riêng mình, chẳng hạn như vòng đeo tay hoặc mặt dây chuyền. 

Nếu bạn cần giúp đỡ hoặc cấp cứu, thẻ y tế sẽ thông báo cho nhân viên y tế về tình trạng của bạn.

Tư vấn du lịch

Nếu bạn đang đi du lịch nước ngoài:

  • Bạn có thể được khuyên dùng một đợt thuốc kháng sinh 
  • Có thể phải kiểm tra vấn đề tiêm phòng khi đi du lịch

Những người không lách có nguy cơ cao mắc bệnh sốt rét ác tính.

Nếu có thể, hãy tránh những quốc gia có bệnh sốt rét. Nếu không thể tránh thì hãy nói chuyện với bác sĩ hoặc dược sĩ địa phương về thuốc trị sốt rét trước khi đi du lịch.

Bạn cũng nên sử dụng màn chống muỗi và thuốc chống côn trùng.

Xem thêm:

Tags:

Elite author
We always feel that we can do better and that our best piece is yet to be written.
Tất cả bài viết
BÀI VIẾT MỚI NHẤT