Continue with GoogleContinue with Google. Opens in new tab
Sỏi thận là một khối cứng có bản chất là muối và chất khoáng, thường được cấu tạo từ canxi hoặc axit uric. Chúng hình thành bên trong thận và có thể di chuyển đến các phần khác của đường tiết niệu. ...

Sỏi thận có kích thước khác nhau. Một số chỉ nhỏ như dấu chấm ở cuối câu, một số khác có bề ngang dài đến vài centimet. Cũng có viên sỏi thận lớn đến mức chiếm toàn bộ thận. 

Sỏi thận hình thành khi một số loại chất khoáng trong nước tiểu đạt nồng độ cao và tích tụ lại. Khi cơ thể không được cung cấp đủ nước, nước tiểu sẽ cô đặc và hàm lượng các chất khoáng này cao hơn, làm tăng nguy cơ hình thành sỏi thận. 

Sỏi phổ biến hơn ở nam giới, những người béo phì và những người mắc bệnh tiểu đường.

Nếu sỏi nhỏ và nằm trong thận thì thường không gây ra triệu chứng. Bạn có thể không nhận thấy dấu hiệu bất thường cho đến khi sỏi di chuyển vào niệu quản – là một ống nhỏ dẫn nước tiểu từ thận đến bàng quang. 

Sỏi thận thường gây ra những cơn đau quặn. Hầu hết sỏi sẽ tự trôi theo dòng tiểu ra ngoài. Tuy nhiên, bạn cần được điều trị với mục đích làm vỡ viên sỏi hoặc loại bỏ những viên không thể tự trôi ra. 

Dưới đây là 8 triệu chứng cho thấy bạn có thể bị sỏi thận.

1. Đau lưng, đau bụng hoặc đau một bên

Đau do sỏi thận - còn được gọi là cơn đau quặn thận - là một trong những loại cơn đau dữ dội nhất. Một số người từng bị sỏi thận so sánh cảm giác này như đau khi sinh con hoặc bị dao đâm. 

Cơn đau dữ dội là nguyên nhân khiến cho hơn 1 triệu lượt bệnh nhân đến phòng khám cấp cứu mỗi năm. 

Thông thường cơn đau bắt đầu khi một viên sỏi di chuyển vào niệu quản hẹp, gây ra tắc nghẽn dòng chảy, tăng áp lực nước tiểu trong thận. 

Áp lực kích hoạt các thụ cảm thần kinh truyền tín hiệu đau đến não.

Cơn đau do sỏi thận thường khởi phát đột ngột. Khi viên sỏi di chuyển, cơn đau sẽ thay đổi vị trí và cường độ. 

Đau thường xuất hiện và thuyên giảm theo từng cơn, đau càng tăng khi niệu quản co lại để cố gắng đẩy viên sỏi ra ngoài. Mỗi cơn có thể kéo dài trong vài phút, giảm bớt và sau đó quay trở lại.

Bạn sẽ cảm thấy đau dọc bên hông và lưng, bên dưới xương sườn. Đau có thể lan ra vùng bụng và vùng bẹn khi sỏi di chuyển xuống phía dưới đường tiết niệu. 

Những viên sỏi lớn có thể gây đau nhiều hơn những viên nhỏ, nhưng mức độ đau không nhất thiết liên quan đến kích thước của viên sỏi. Ngay cả một viên sỏi nhỏ cũng có thể gây đau đớn khi di chuyển hoặc gây tắc nghẽn.

2. Đau hoặc rát khi đi tiểu 

Đau rát khi đi tiểu có thể là triệu chứng của sỏi thận, nguồn: https://www.medicalnewstoday.comĐau rát khi đi tiểu có thể là triệu chứng của sỏi thận, nguồn: https://www.medicalnewstoday.com

Khi sỏi di chuyển đến vị trí nối giữa niệu quản và bàng quang, bạn sẽ bắt đầu cảm thấy đau khi đi tiểu. Bác sĩ gọi đó là tiểu khó. 

Bạn có thể đau chói hoặc cảm giác bỏng rát khi đi tiểu. Triệu chứng này có thể gây nhầm lẫn với nhiễm trùng đường tiết niệu. Đôi khi bạn có thể mắc nhiễm trùng tiết niệu cùng với sỏi thận. 

3. Tiểu gấp

Cần đi tiểu gấp hoặc đi thường xuyên hơn bình thường là một dấu hiệu cho thấy sỏi đã di chuyển vào phần dưới của đường tiết niệu. Bạn có thể cần chạy ngay tới phòng vệ sinh và phải đi liên tục cả ngày lẫn đêm.

Tiểu gấp cũng có thể giống với triệu chứng nhiễm trùng đường tiết niệu. 

4. Có lẫn máu trong nước tiểu

Nước tiểu có lẫn máu là một triệu chứng thường gặp ở những người có sỏi đường tiết niệu. Triệu chứng này còn được gọi là tiểu máu.

Máu có thể màu đỏ, hồng hoặc nâu. Đôi khi các tế bào máu quá nhỏ để có thể nhìn thấy nếu không có kính hiển vi (được gọi là tiểu máu vi thể), nhưng bác sĩ có thể xét nghiệm nước tiểu để phát hiện triệu chứng này. 

5. Nước tiểu đục hoặc có mùi hôi

Nước tiểu của người khỏe mạnh có màu trong và không có mùi hôi. Nước tiểu đục hoặc có mùi hôi có thể là dấu hiệu của nhiễm trùng ở thận hoặc một bộ phận khác của đường tiết niệu. 

Một nghiên cứu cho thấy khoảng 8% những người bị sỏi thận cấp tính mắc nhiễm trùng đường tiết niệu.

Nước tiểu đục là dấu hiệu có mủ trong nước tiểu, hay còn goi là tiểu mủ. Mùi hôi có thể đến từ vi khuẩn gây nhiễm trùng đường tiết niệu, hoặc cũng có thể do nước tiểu cô đặc hơn bình thường.

6. Tiểu ít

Sỏi thận lớn đôi khi bị mắc kẹt trong niệu quản. Sự tắc nghẽn này có thể làm chậm hoặc ngừng dòng chảy của nước tiểu. 

Nếu bị tắc nghẽn, mỗi lần bạn chỉ đi tiểu được một chút. Còn nếu ngừng dòng chảy của nước tiểu hoàn toàn thì đó là một trường hợp cấp cứu y tế. 

7. Buồn nôn và nôn mửa

Những người mắc sỏi thận thường bị buồn nôn và nôn. 

Các triệu chứng này xảy ra do các kết nối thần kinh chung giữa thận và đường tiêu hóa. Sỏi trong thận có thể kích hoạt các dây thần kinh trong đường tiêu hóa, gây khó chịu cho dạ dày. 

Buồn nôn và nôn cũng có thể là cách cơ thể phản ứng với cơn đau dữ dội. 

8. Sốt và gai lạnh

Sốt và gai lạnh là dấu hiệu cho thấy cơ thể bị nhiễm trùng thận hoặc một bộ phận khác của đường tiết niệu. Đây có thể là một biến chứng nghiêm trọng của sỏi thận, hoặc cũng có thể là dấu hiệu của các vấn đề nghiêm trọng khác ngoài sỏi thận. Bất kỳ cơn sốt nào kèm theo cơn đau đều cần được thăm khám y tế khẩn cấp. 

Cơ thể bị nhiễm trùng thường biểu hiện sốt cao – khoảng (38˚C) hoặc cao hơn. Gai lạnh hoặc rùng mình thường xảy ra cùng với sốt.

Điểm mấu chốt

Sỏi thận có bản chất là muối và chất khoáng cứng hình thành trong thận và có thể di chuyển đến các bộ phận khác của hệ tiết niệu.

Sỏi gây ra các triệu chứng như đau, đi tiểu khó, nước tiểu đục hoặc có mùi hôi, buồn nôn và nôn. 

Một số viên sỏi sẽ tự trôi theo dòng tiểu ra ngoài. Những trường hợp khác cần điều trị bằng sóng âm hoặc phẫu thuật để phá vỡ hoặc loại bỏ chúng. 

Hãy đi khám nếu bạn có bất kỳ triệu chứng nào của sỏi thận. Và bạn cần chăm sóc y tế khẩn cấp nếu có những triệu chứng cho thấy tình trạng nhiễm trùng hoặc biến chứng nghiêm trọng như:

  • Đau đến mức bạn cảm thấy khó chịu
  • Buồn nôn, nôn, sốt hoặc ớn lạnh cùng với đau
  • Có máu trong nước tiểu
  • Tiểu khó 

Xem thêm:

Tags:

Elite author
We always feel that we can do better and that our best piece is yet to be written.
Tất cả bài viết
BÀI VIẾT MỚI NHẤT