Màng nhĩ là một mô mỏng phân chia tai giữa và ống tai ngoài. Màng này rung động khi sóng âm thanh đi vào tai. Sự rung động tiếp tục truyền qua các xương của tai giữa. Do những rung động dẫn truyền âm thanh, thính giác có thể bị ảnh hưởng nếu màng nhĩ bị tổn thương.
Trong một số trường hợp hiếm, thủng màng nhĩ có thể gây mất thính lực vĩnh viễn.
Nguyên nhân gây thủng màng nhĩ

Nhiễm trùng
Nhiễm trùng tai là nguyên nhân phổ biến gây thủng màng nhĩ, đặc biệt là ở trẻ em. Khi bị nhiễm trùng tai, mủ tích tụ ở tai giữa phía sau màng nhĩ. Áp lực từ sự tích tụ này có thể làm cho màng nhĩ bị thủng.
Thay đổi áp suất
Thay đổi áp suất đột ngột gây chênh lệch áp suất giữa tai ngoài và tai trong, dẫn đến thủng màng nhĩ. Các hoạt động có thể gây ra bệnh thủng màng nhĩ do thay đổi áp suất bao gồm:
- Lặn
- Đi máy bay
- Lái xe ở nơi độ cao lớn so với mực nước biển
- Sóng tác động đột ngột
- Tác động mạnh, trực tiếp đến tai
Chấn thương
Chấn thương cũng có thể làm thủng màng nhĩ . Bất kỳ chấn thương nào ở tai hoặc một bên đầu đều có thể gây thủng màng nhĩ. Một số nguyên nhân như:
- Bị đánh vào tai
- Bị chấn thương khi chơi thể thao
- Ngã đập tai xuống
- Tai nạn ô tô
Bị các vật thể cứng đâm vào màng nhĩ như tăm bông, móng tay hoặc bút cũng có thể gây thủng màng nhĩ.
Tổn thương tai do tiếng ồn cực lớn có thể làm thủng màng nhĩ. Tuy nhiên, những trường hợp này không phổ biến.
Các triệu chứng của thủng màng nhĩ
Đau là triệu chứng chính của thủng màng nhĩ. Tùy từng trường hợp mức độ đau từ nhẹ đến nặng. Đau có thể liên tục cả ngày hoặc thành từng đợt lúc tăng lúc giảm.
Thông thường tai bắt đầu chảy mủ khi hết đau. Lúc này, màng nhĩ đã bị thủng. Viêm tai giữa dễ xảy ra hơn ở trẻ nhỏ, những người bị cảm lạnh hoặc cúm, hoặc ở những nơi có chất lượng không khí kém.
Thính lực có thể mất tạm thời hoặc giảm ở tai bị ảnh hưởng. Các triệu chứng khác gồm ù tai, chóng mặt.
Chẩn đoán thủng màng nhĩ

Bác sĩ có thể sử dụng một số cách để phát hiện thủng màng nhĩ:
- Xét nghiệm dịch chảy ra từ tai
- Kiểm tra bằng kính soi tai
- Kiểm tra thính lực
- Sử dụng tympanometry - một thiết bị đưa vào ống tai đo phản ứng của màng nhĩ với những thay đổi nhỏ trong áp suất không khí.
Điều trị thủng màng nhĩ
Các phương pháp điều trị thủng màng nhĩ bao gồm giảm đau, loại bỏ tác nhân gây nhiễm trùng.
Vá màng nhĩ
Nếu tai không tự lành, bác sĩ có thể vá màng nhĩ. Việc vá bao gồm việc đặt một miếng giấy tẩm thuốc lên vết rách trên màng. Miếng dán kích thích màng phát triển và lành lại.
Thuốc kháng sinh
Thuốc kháng sinh tiêu diệt vi khuẩn hoặc nấm gây viêm tai giữa. Chúng cũng dự phòng nhiễm trùng mới từ lỗ thủng. Bác sĩ có thể kê đơn thuốc kháng sinh uống, thuốc nhỏ tai hoặc kết hợp cả hai.
Phẫu thuật
Trong một số trường hợp hiếm hoi, phẫu thuật có thể được yêu cầu để sửa lỗ thủng trên màng nhĩ. Phẫu thuật này còn được gọi là phẫu thuật tạo hình màng nhĩ. Trong quá trình phẫu thuật tạo hình màng nhĩ, bác sĩ phẫu thuật sẽ lấy mô từ một vùng khác trên cơ thể và ghép nó vào lỗ trên màng nhĩ .
Các biện pháp khắc phục tại nhà
Tại nhà, bạn có thể xoa dịu cơn đau do thủng màng nhĩ bằng nhiệt và thuốc giảm đau. Đặt một miếng gạc khô và ấm lên tai vài lần mỗi ngày có thể hữu ích.
Tạo điều kiện cho quá trình chữa lành bằng cách không hỉ mũi quá mức cần thiết do hỉ mũi sẽ tạo ra áp lực trong tai. Cố gắng làm sạch tai bằng cách nín thở, bịt mũi và thổi ngạt cũng tạo ra áp lực cao trong tai. Áp lực tăng lên có thể gây đau đớn và làm chậm quá trình lành lại của màng nhĩ.
Không sử dụng bất kỳ loại thuốc nhỏ tai nào trừ khi bác sĩ đề nghị. Khi màng nhĩ bị thủng, chất lỏng này có thể đi sâu vào tai gây biến chứng.
Thủng màng nhĩ ở trẻ em
Thủng màng nhĩ có thể xảy ra thường xuyên hơn ở trẻ em vì màng nhĩ còn mỏng và ống tai hẹp. Dùng tăm bông quá mạnh dễ dàng làm tổn thương màng nhĩ của trẻ. Bất kỳ loại dị vật nhỏ nào, chẳng hạn như bút chì hoặc kẹp tóc, cũng có thể làm hỏng hoặc thủng màng nhĩ nếu đưa quá xa vào ống tai.
Nhiễm trùng tai là nguyên nhân phổ biến nhất gây thủng màng nhĩ ở trẻ em. Nguy cơ nhiễm trùng có thể cao hơn nếu trẻ đi nhà trẻ hoặc bú bình trong tư thế nằm thay vì bú mẹ.
Hãy đưa trẻ đi khám nếu nhận thấy bất kỳ triệu chứng nào sau đây:
- Đau tai từ nhẹ đến nặng
- Tai chảy dịch lẫn máu hoặc mủ
- Buồn nôn, nôn mửa hoặc chóng mặt liên tục
- Trẻ kêu ù tai

Bởi vì màng nhĩ của trẻ rất mỏng manh, những tổn thương không được điều trị có thể ảnh hưởng lâu dài đến thính giác của chúng. Dạy trẻ không đưa các đồ vật vào tai. Ngoài ra, cố gắng tránh cho trẻ đi máy bay khi chúng bị cảm lạnh hoặc nhiễm trùng xoang. Sự thay đổi áp suất có thể làm hỏng màng nhĩ của trẻ.
Phục hồi sau thủng màng nhĩ
Màng nhĩ bị thủng thường tự lành mà không cần điều trị xâm lấn. Hầu hết những người bị thủng màng nhĩ chỉ bị mất thính lực tạm thời. Ngay cả khi không điều trị, màng nhĩ sẽ lành lại sau vài tuần.
Bạn thường có thể xuất viện trong vòng một đến hai ngày sau khi phẫu thuật màng nhĩ. Phục hồi hoàn toàn thường trong vòng tám tuần.
Phòng ngừa tổn thương lại trong quá trình phục hồi.
- Giữ tai khô để ngăn ngừa nhiễm trùng thêm.
- Nhẹ nhàng nhét bông vào tai khi bạn tắm để ngăn nước vào ống tai.
- Tránh bơi lội cho đến khi tai lành lại.
Phòng ngừa thủng màng nhĩ
- Nếu bị nhiễm trùng tai, hãy điều trị ngay.
- Cố gắng tránh đi máy bay khi bị cảm lạnh hoặc nhiễm trùng xoang.
- Dùng nút tai, nhai kẹo cao su, hoặc chủ động ngáp để giữ cho áp suất tai được ổn định.
- Không sử dụng các vật lạ để làm sạch thêm ráy tai (tắm vòi hoa sen mỗi ngày thường là đủ để giữ cân bằng lượng ráy tai).
- Đeo nút tai khi biết rằng sẽ tiếp xúc với nhiều tiếng ồn, chẳng hạn như xung quanh máy móc ồn ào, tại các buổi hòa nhạc, công trường xây dựng.
Những điểm cần nhớ
Dự phòng thủng màng nhĩ bằng các biện pháp bảo vệ thính giác, tránh bị thương hoặc đưa các vật vào tai. Nhiều bệnh nhiễm trùng gây thủng màng nhĩ có thể được điều trị tại nhà bằng cách nghỉ ngơi và bảo vệ đôi tai. Tuy nhiên, hãy đến gặp bác sĩ nếu nhận thấy chảy dịch bất thường từ tai hoặc bị đau tai dữ dội kéo dài hơn một vài ngày. Có rất nhiều phương pháp chẩn đoán và điều trị thủng màng nhĩ.