Continue with GoogleContinue with Google. Opens in new tab
Màu sắc của ráy tai nói lên điều gì về sức khỏe, chủng tộc và mùi cơ thể của bạn? ...

Bài biết sẽ giúp bạn trả lời câu hỏi đó, và khám phá một số sự thật đáng kinh ngạc về ráy tai ướt và khô.

Tại sao chúng ta lại có ráy tai? Chất lỏng cơ thể này có vẻ vô nghĩa, nhưng nó thực sự phục vụ một mục đích quan trọng: giữ cho tai sạch sẽ. Nhưng đôi lúc nó lại mang lại những vấn đề cho bạn, đặc biệt nếu ráy tai ướt.

Ráy tai ướt hay khô thường do gen quy định. Tắc ráy tai và nhiễm trùng tai là những vấn đề sức khỏe rất hay gặp!

Trong bài viết này, chúng tôi sẽ giúp bạn hình dung về hai loại ráy tai thường gặp: ráy tai ướt và ráy tai khô. Bạn cũng sẽ nhận được câu trả lời cho những câu hỏi quan trọng về kết cấu và màu sắc của ráy tai cũng như ý nghĩa của nó về sức khỏe đôi tai.

Ráy tai là gì?

Ráy tai là một chất được tạo ra bởi các tuyến trong ống tai. Cơ thể sử dụng ráy tai để bảo vệ ống tai cho phép bạn thực hiện chức năng nghe. Có hai tuyến hoạt động cùng nhau để tạo ra ráy tai: tuyến bã nhờn và tuyến mồ hôi biến đổi. Ráy tai có thể dính hoặc khô, công dụng của ráy tai rất đơn giản:

  • Giữ lại bụi bẩn
  • Ngăn ngừa tình trạng khô
  • Bảo vệ chống lại nhiễm trùng
  • Duy trì độ pH ổn định

Ráy tai có chức năng gì?

Ráy tai có tác dụng bôi trơn ống tai, giữ cho da mịn màng và mềm mại - nếu da bên trong tai bị khô, nó sẽ trở nên ngứa, bong tróc và làm tăng nguy cơ nhiễm trùng. Ráy tai cũng giúp giữ lại các bụi bẩn cực nhỏ, như bụi và vảy da, có thể tích tụ hoặc di chuyển sâu hơn bên trong tai. Tai trong không phải là một khoảng chân không, nó được kết nối với các xoang liền kề.

Ráy tai có đặc tính kháng khuẩn và kháng nấm giúp bảo vệ tai khỏi nhiễm trùng do vi khuẩn và nấm. Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng ráy tai người khỏe mạnh có tác dụng chống lại tụ cầu vàng và trực khuẩn mủ xanh, hai nguyên nhân chính gây ra bệnh viêm tai ngoài.

Ống tai khô, ở khí hậu nhiệt đới hay là việc lặn với bình dưỡng khí và bệnh chàm tai đều có thể làm tăng nguy cơ nhiễm nấm tai, chủ yếu do nấm men Aspergillus gây ra, và hiếm gặp hơn là nấm Candida. Các nghiên cứu cho thấy ráy tai của những người khỏe mạnh có thể ức chế các loại nấm men này và ngăn ngừa nhiễm trùng.

Cơ thể con người sử dụng độ pH để ngăn ngừa nhiễm trùng. Dạ dày là một hàng rào axit có thể tiêu diệt mầm bệnh và ruột sử dụng axit béo để axit hóa môi trường của nó, điều này làm cho các vi sinh vật lây nhiễm ít có khả năng phát triển. Trong tai, ráy tai giúp duy trì môi trường axit (pH 5,2–7,0), cũng giúp chống lại nhiễm trùng.

Ráy tai được cấu tạo từ thành phần nào?

Ráy tai là sự kết hợp của nhiều chất. Nó lấy dầu từ các tuyến bã nhờn - loại tuyến tương tự làm cho tóc nhờn và khuôn mặt sáng bóng cùng với các tuyến mồ hôi biến đổi cung cấp các yếu tố miễn dịch hỗ trợ.

Theo các nhà khoa học, có khoảng 1.000-2.000 tuyến mồ hôi biến đổi ở mỗi bên tai.

Hai loại ráy tai chính


Hai loại ráy tai thường gặp. Nguồn ảnh: ncmns.wordpress.comHai loại ráy tai thường gặp. Nguồn ảnh: ncmns.wordpress.com

Thành phần của ráy tai được xác định bởi gen và thay đổi tùy thuộc vào chủng tộc. Ráy tai ướt có nhiều lipid hơn, khiến nó trở nên dày và dính. Ráy tai ướt hay gặp ở những người gốc Châu Âu và Châu Phi. Ráy tai khô có dạng vảy và hay gặp ở người Châu Á.


Biến thể của gen ABCC11 trong ADN quy định bạn có ráy tai ướt hay khô.

Những người có kiểu gen AA có ráy tai khô, trong khi kiểu gen GA và GG có liên quan đến ráy tai ướt. Các nhà khoa học tin rằng ráy tai khô thực sự là một đột biến di truyền xuất hiện trong quần thể người châu Á khoảng 2.006 thế hệ trước, tức là khoảng 50.000 năm trước.

Ráy tai khô

Ráy tai người Đông Á thường khô, xám và bong tróc do một biến thể di truyền của gen ABCC11. Kiểu gen này khá có lợi vì nó cũng quy định đặc tính không bị hôi nách. Loại ráy tai và mùi cơ thể dường như có liên quan mật thiết với nhau vì chúng dựa trên cùng một mã di truyền.

Ráy tai khô khỏe mạnh sẽ rơi ra khỏi tai dễ hơn ráy tai ướt và điều đó có lợi trong việc ngăn ngừa nhiễm trùng tai. Tuy nhiên, điều quan trọng vẫn là giữ cho tai sạch sẽ vì các mảnh ráy tai khô có thể tích tụ theo thời gian và gây ra tắc nghẽn.

Ráy tai khô cũng có thể là dấu hiệu của bệnh chàm hoặc nhiễm trùng tai. Nếu tai bị ngứa hoặc bị viêm, hãy đi khám để xác định xem bạn có cần điều trị hay không.

Ráy tai ướt

Ráy tai ướt là một đặc điểm do gen quy định, ráy tai có màu mật ong và trông giống như sáp. Gen gây ra ráy tai dính cũng là nguyên nhân khiến nách có mùi hôi, điều đó cho thấy rằng, vào một thời điểm nào đó, quá trình tiến hóa coi mùi cơ thể đã tạo ra một đặc điểm hữu ích. Tuy nhiên, nó có thể khó vệ sinh và khử mùi hiệu quả. Điều này làm cho ráy tai ướt có nhiều khả năng tích tụ theo thời gian và gây tắc nghẽn. Trên thực tế, tắc ráy tai là vấn đề về tai hay gặp nhất trên toàn thế giới. Các nghiên cứu cho thấy 2–6% dân số Anh bị tắc lỗ tai do ráy tai vào bất kỳ thời điểm nào. Tại Hoa Kỳ, ước tính có 8 triệu lần gắp bỏ ráy tai được thực hiện mỗi năm.

Ráy tai chảy nước

Ráy tai chảy nước có một số nguyên nhân và không nên nhầm lẫn với ráy tai ướt. Bơi lội và lặn có thể khiến nước trộn lẫn với ráy tai, khiến nó trở nên dễ chảy nước hơn. Tuy nhiên, có nhiều nguyên nhân nghiêm trọng hơn:

  • Viêm tai ngoài
  • Viêm tai giữa
  • Tổn thương ống tai
  • Rách màng nhĩ
  • Vỡ xương sọ (hiếm gặp)

Ráy tai nên có màu gì?

Không có một màu ráy tai duy nhất, mà màu sắc của ráy tai nằm trên một dải màu trắng-cam-đen, điều này phụ thuộc vào gen của bạn và tần suất vệ sinh tai. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, đó có thể là dấu hiệu cho thấy bạn cần đi khám.

Ráy tai màu trắng và xám (khô)

Ráy tai khô là nguyên nhân phổ biến nhất gây ra ráy tai màu trắng, bong ra thành từng mảng. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, nó cũng có thể là dấu hiệu của nhiễm trùng hoặc viêm da cơ địa (chàm). Đi khám nếu bạn có ráy tai màu trắng hoặc xám, ngứa, viêm và đau.

Ráy tai màu trắng vàng, xanh (ướt)

Tai chảy dịch màu vàng hoặc xanh thể hiện có mủ trong tai. Nguồn ảnh: davidwolfe.comTai chảy dịch màu vàng hoặc xanh thể hiện có mủ trong tai. Nguồn ảnh: davidwolfe.com

Ráy tai ướt, màu vàng nhạt hoặc trắng báo hiệu có mủ trong tai. Khi thấy tai mình tiết dịch màu trắng hoặc vàng nhạt, bạn nên đi khám bác sĩ. Chảy mủ trong tai thường là triệu chứng của bệnh nhiễm trùng tai.

Ráy tai màu vàng cam

Đây là loại ráy tai ướt điển hình, một đặc điểm di truyền mà bạn không thể làm gì được. Hãy nhớ vệ sinh tai thường xuyên để tránh gây tắc nghẽn. Các triệu chứng của tắc nghẽn ráy tai bao gồm đau tai, khó nghe và ngứa.

Ráy tai màu đỏ

Những vệt ráy tai đỏ tươi là dấu hiệu của tình trạng chảy máu từ trong tai. Có một số lý do khiến ráy tai có máu, đó có thể là một chấn thương ngoài da hoặc một tình trạng nghiêm trọng hơn như nhiễm trùng, thủng màng nhĩ hoặc chấn thương ở đầu. Nếu gặp tình trạng này bạn nên đi khám.

Ráy tai màu nâu đỏ hoặc đỏ sẫm là dấu hiệu của ráy tai cũ đã tích tụ trong ống tai. Điều đó không có gì lạ, đặc biệt nếu cơ thể bạn tạo ra nhiều ráy tai. Cố gắng vệ sinh tai thường xuyên hơn sẽ giúp tình trạng cải thiện.

Ráy tai màu nâu và đen

Ráy tai sẫm màu là dấu hiệu của ráy tai bị oxy hóa. Nói một cách đơn giản, ráy tai màu đen là ráy tai đã ở trong tai quá lâu - việc tiếp xúc với oxy và quá trình lên men vi khuẩn tự nhiên đã làm ráy tai chuyển sang sẫm màu. Một số người sản xuất quá nhiều ráy tai và có thể cần phải vệ sinh tai thường xuyên hơn để tránh ráy tai sẫm màu. 

Kết luận

Ráy tai được tạo ra bởi các tuyến trong tai từ rất nhiều chất khác nhau. Tuy nhiên, ráy tai thường được chia thành hai loại: khô hoặc ướt. Gen ABCC11 trong hệ thông tin di truyền của mỗi người sẽ quy định ráy tai ướt hay khô, dính hay bong.

Màu sắc của ráy tai phản ánh cả đặc điểm kiểu gen và tình trạng sức khỏe của mỗi người. Mặc dù tai có khả năng “tự làm sạch”, bạn vẫn cần vệ sinh thường xuyên để tránh tích tụ quá nhiều ráy tai có thể gây tắc nghẽn. Nếu bạn bị chảy mủ tai bất thường, hãy đi khám để tham khảo ý kiến bác sĩ và được điều trị vì tai là cửa sổ thính giác của bạn.

Tags:

Elite author
We always feel that we can do better and that our best piece is yet to be written.
Tất cả bài viết
BÀI VIẾT MỚI NHẤT