Phương pháp EASY là gì?
Phương pháp EASY, viết tắt của “Eat – Activity – Sleep – Your time”, là một thói quen sinh hoạt dành cho trẻ sơ sinh theo trình tự: Ăn – Hoạt động (chơi) – Ngủ (cho em bé) – Thời gian dành riêng cho bố mẹ/người chăm sóc. Phương pháp này được đưa ra bởi Tracy Hogg, tác giả của cuốn sách “Secrets of the Baby Whisperer”.
Khi bạn làm theo phương pháp EASY, bạn không bao giờ cho bé bú liên tục theo nhu cầu. Thay vào đó, bạn hướng dẫn bé thực hiện các thói quen hàng ngày theo một trình tự cụ thể:
- Ăn
- Hoạt động (chơi)
- Ngủ
- Thời gian của bạn (thời gian dành cho bố mẹ/người chăm sóc trong khi em bé đang ngủ)
Khi em bé thức dậy, bạn thực hiện lại trình tự trên, bắt đầu với việc ăn uống. Bạn sẽ thực hiện trình tự nhiều lần trong ngày.
Bé ăn ngủ theo phương pháp này có vấn đề gì không?

Mỗi em bé đều khác nhau, vì vậy mỗi bé sẽ có những khoảng thời gian ăn và ngủ khác nhau. Và thường thì lượng ăn và thời gian ngủ của trẻ sẽ thay đổi khi lớn lên. Đừng lo lắng nếu bé có vẻ như ngủ ít hơn hoặc nếu khoảng cách giữa các lần bú dài hơn.
Thời gian chính xác trong ngày, lượng ăn và thời gian ngủ không quan trọng trong phương pháp này, miễn là bạn luôn tuân theo thứ tự EASY về thời điểm bé ăn và ngủ theo đúng trình tự. Nếu bạn làm theo các bước của EASY, em bé của bạn sẽ vẫn lớn lên và phát triển --- còn bạn sẽ giành lại được một khoảng thời gian quý giá cho bản thân. Bây giờ, chúng ta hãy đi qua từng bước trong trình tự của phương pháp EASY.
E: Ăn
Đây là thời điểm bạn cho trẻ bú sữa mẹ hoặc sữa công thức (hoặc thức ăn đặc, khi em bé đã sẵn sàng). Tuy nhiên, đối với những tháng đầu đời của trẻ, thói quen EASY cũng bao gồm 2 lần bú buổi tối và nửa đêm quan trọng --- bú tích trữ (cluster feed) và bú trong mơ (dream feed). Hai bữa ăn này là chìa khóa để giữ cho em bé no bụng và sẽ ngủ suốt đêm.
Bú tích trữ (Cluster feed)
Bú tích trữ là cho trẻ bú cách nhau khoảng 2 giờ vào buổi tối, trước khi đi ngủ đêm. Sau lần bú đầu tiên, bạn sẽ yêu cầu em bé thực hiện một hoạt động (chẳng hạn như thời gian nằm sấp hoặc tắm) và một giấc ngủ ngắn (catnap). Tiếp theo, sau lần bú thứ 2, bạn sẽ đưa em bé đi ngủ đêm ngay.
Ví dụ: bạn có thể cho em bé bú lần đầu tiên lúc 6 giờ chiều, thực hiện một hoạt động, sau đó cho em bé bú tích trữ lần thứ hai lúc 8 giờ tối trước khi đưa em bé đi ngủ đêm. Các cữ bú tích trữ thường được thực hiện cho đến tháng thứ 2 của bé, sau đó được bổ sung trở lại trong khoảng từ 4 - 6 tháng nếu em bé của bạn trải qua một đợt tăng trưởng đột biến.
Bú trong mơ (Dream feed)
Bú trong giấc mơ là khi bạn cho trẻ bú vào ban đêm trong khi trẻ vẫn đang ngủ. Cho trẻ ăn như vậy - mà không đánh thức trẻ - sẽ giúp trẻ ngủ ngon hơn và không bị thức giấc giữa đêm, vì vậy bạn có thể tận hưởng giấc ngủ quý giá cho bản thân. Trong khi cho trẻ bú, bạn phải đảm bảo trẻ có thể ngậm và bú vú / bú bình bình thường mà không làm trẻ thức giấc. Bú trong mơ sẽ diễn ra trong khoảng từ 10 giờ tối đến nửa đêm (không muộn hơn nửa đêm).
A: Hoạt động
Sau khi cho ăn, thực hiện một hoạt động với trẻ sẽ thu hút trẻ và giúp thúc đẩy sự phát triển lành mạnh của các kỹ năng vận động và nhận thức. Việc bận rộn về thể chất và tinh thần cũng sẽ giúp bé mệt mỏi để sẵn sàng cho một giấc ngủ ngắn!
Các hoạt động có thể bao gồm thời gian nằm sấp, tắm, đọc sách cho em bé nghe, hát cho em bé nghe, đưa em bé ra ngoài hoặc đưa đồ chơi cho trẻ. Việc thay tã cũng nên diễn ra trong thời gian hoạt động. Đối với những em bé nhỏ tuổi nhất, việc đưa cho một món đồ chơi hoặc một vật di động để nhìn chằm chằm vào hoặc bố mẹ nói chuyện / thủ thỉ với bé được coi là hoạt động. Chỉ cần đừng hoạt động quá mức vì bạn không muốn bé ham chơi quá đến mức không chịu ngủ.
S: Ngủ
Giấc ngủ rất cần thiết cho sự tăng trưởng và phát triển trí não của bé. Giấc ngủ ngắn của trẻ sơ sinh có thể từ 20 phút - 2 giờ. Ngủ ngắn ban ngày sẽ giúp bé ngủ ngon vào ban đêm, nhưng nếu ban ngày bé ngủ quá lâu thì bé sẽ khó ngủ vào ban đêm. Đặc biệt hãy để ý 2 giấc ngủ ngắn cuối cùng trong ngày --- nếu ngủ quá lâu trong những giấc ngủ ngắn này thì ban đêm bé có thể thức khuya.
Y: Thời gian của bạn
Khi trẻ đã ngủ, hãy tận hưởng khoảng thời gian quý giá để làm bất cứ điều gì bạn muốn! Gọi cho bạn bè, xem một chương trình yêu thích, đọc sách, lướt facebook, đi tắm hoặc nạp năng lượng bằng một giấc ngủ ngắn.
Ví dụ về lịch sinh hoạt theo EASY
Tùy vào độ tuổi của bé mà nếp sinh hoạt EASY sẽ có những thay đổi đáng kể về khoảng cách giữa các cữ bú. Bạn sẽ thấy khi em bé lớn hơn, thời gian giữa các cữ bú sẽ kéo dài hơn (khoảng 4 - 6 tháng tuổi, các cữ bú có thể cách nhau 4 giờ). Sau đó, khi trẻ bắt đầu ăn thức ăn đặc, bạn sẽ cần điều chỉnh các phần "ăn" trong lịch trình để cho trẻ ăn cả thức ăn đặc và sữa mẹ / sữa công thức. Điều tương tự cũng đúng với thời gian thức và thời gian ngủ, duy chỉ có trình tự các hoạt động “Ăn - Hoạt động - Ngủ - Thời gian của mẹ” trong một chu trình EASY của bé là không thay đổi.
Sau đây là một ví dụ về lịch trình sinh hoạt theo EASY cho trẻ sơ sinh từ 0 - 6 tuần tuổi (được gọi là EASY 3):

Đừng cảm thấy áp lực như bạn phải tuân theo một lịch trình thật chính xác. Lịch trình chỉ là ví dụ về cách áp dụng phương pháp EASY. Mỗi em bé là một cá thể riêng biệt nên bố mẹ có thể có một số thay đổi để phù hợp với trẻ.
Khi nào nên bắt đầu thói quen EASY?

Bắt đầu càng sớm thì càng dễ để thiết lập thói quen EASY, bởi vì ít có khả năng bé đã rơi vào một thói quen khác.
Bạn có thể bắt đầu áp dụng phương pháp EASY ngay sau khi đưa em bé từ bệnh viện về nhà. Nhưng tốt nhất nên bắt đầu thói quen EASY khi trẻ được 1 tháng tuổi, sau khi bạn biết trẻ cần bú bao nhiêu sữa mẹ hoặc sữa công thức để no mà không cần bú quá nhiều.
Tuy nhiên, nếu em bé lớn hơn 1 tháng tuổi, đừng lo lắng. Bạn vẫn có thể áp dụng thói quen EASY bất cứ lúc nào trước 9 tháng tuổi.
Khi nào thì phương pháp EASY không còn hợp lý nữa?
Vào khoảng 9 tháng tuổi, bé nên ăn 3 bữa chính và 2 bữa phụ một ngày. Giữ cho em bé theo một lịch trình cụ thể vẫn sẽ giúp ích, nhưng nó sẽ không chính xác theo EASY. Sau đó, ngay sau sinh nhật đầu tiên, bé thường chỉ cần 1 giấc ngủ ngắn ngoài giấc ngủ ban đêm, vì vậy thói quen EASY sẽ không còn ý nghĩa nữa.