Continue with GoogleContinue with Google. Opens in new tab
Đái dầm còn có tên gọi khác là chứng đi tiểu không tự chủ chỉ tình trạng mất kiểm soát khi đi tiểu. Đái dầm ban đêm là hiện tượng đi tiểu không tự chủ xảy ra vào ban đêm khi đang ngủ, ở độ tuổi có thể kiểm soát hành vi tiểu tiện tự chủ. Khái niệm này dùng để phân biệt với khái niệm đái dầm ban ngày. ...

Hầu hết chúng ta cho rằng chứng đái dầm chỉ xảy ra với trẻ nhỏ. Tuy nhiên số trẻ đái dầm ở độ tuổi vị thành niên vẫn tồn tại, chiếm tỷ lệ 1-2 %.

Phân loại 

Có hai loại đái dầm:

  • Đái dầm nguyên phát: Chỉ những trường hợp đái dầm xảy ra ngay từ lúc nhỏ, trẻ không thể kiểm soát việc đi tiểu ban đêm đặc biệt trong khi ngủ. Đây là kiểu đái dầm phổ biến nhất.
  • Đái dầm thứ phát là tình trạng xuất hiện sau thời điểm một người đã học được cách kiểm soát bàng quang, có thể nhịn tiểu, tự chủ đi tiểu. Thời gian đái dầm kéo dài ít nhất 6 tháng thậm chí vài năm.

Bàng quang là bể chứa nước tiểu có khả năng co giãn. Khi bàng quang đầy, cơ thắt cổ bàng quang sẽ mở để nước tiểu đi ra ngoài. Ở một người có kiểm soát bàng quang bình thường:

  • Các dây thần kinh trong thành bàng quang gửi một tín hiệu đến não khi bàng quang đầy.
  • Sau đó, bộ não sẽ gửi tín hiệu điều khiển trở lại bàng quang để giữ cho nó không tự động làm rỗng cho đến khi người đó sẵn sàng đi vệ sinh.

Nhưng những người mắc chứng tiểu không tự chủ thường gặp vấn đề khiến họ mất khả năng kiểm soát việc đi tiểu dẫn đến tiểu ngay trong giấc ngủ.

Nguyên nhân

Nguồn: https://intermountainhealthcare.orgNguồn: https://intermountainhealthcare.org

Không phải trong mọi trường hợp đều có thể xác định chính xác nguyên nhân gây ra chứng đái dầm ban đêm. Một số nguyên nhân có thể gặp bao gồm:

  • Vấn đề về nội tiết tố. Một loại hormone được gọi là hormone chống bài niệu (ADH) giúp cơ thể ít đi tiểu hơn vào ban đêm. Vì một số lý do mà ADH không được sản xuất đủ nên lượng nước tiểu vẫn được tạo ra quá nhiều ngay cả trong giấc ngủ.
  • Vấn đề tại bàng quang. Bàng quang nhỏ, dị tật, co giãn kém hoặc rối loạn hoạt động đóng mở cổ bàng quang dẫn tới mất tự chủ.
  • Vấn đề liên quan đến di truyền. Thanh thiếu niên mắc chứng đái dầm thường có cha hoặc mẹ cũng mắc phải vấn đề tương tự ở cùng độ tuổi. Các nhà khoa học đã xác định được các gen cụ thể gây ra chứng đái dầm di truyền qua các thế hệ.
  • Vấn đề về giấc ngủ. Một số thanh thiếu niên có thể ngủ sâu đến mức không thể thức dậy khi cần đi tiểu.
  • Sử dụng chất kích thích trước khi đi ngủ. Việc sử dụng cafein khiến một người đi tiểu nhiều hơn.
  • Vấn đề sức khỏe: Các tình trạng có thể gây ra chứng đái dầm thứ phát bao gồm bệnh tiểu đường, các bất thường về đường tiết niệu (bất thường cấu trúc đường tiết niệu), táo bón hoặc nhiễm trùng đường tiết niệu (UTIs).
  • Vấn đề tâm lý. Một số chuyên gia cho rằng căng thẳng có liên quan đến chứng đái dầm.

Khó để xác định chính xác nguyên nhân đái dầm nhưng hơn một nửa các trường hợp đái dầm ở thanh niên được cho là có liên quan đến thiếu hoặc giảm hormone ADH.

Chẩn đoán

Tìm gặp bác sĩ để được chẩn đoán và loại trừ khả năng mắc các bệnh lý liên quan đến chứng đái dầm.

Trong quá trình thăm khám, các Bác sĩ sẽ hỏi bệnh bằng cách khai thác các thông tin cần thiết có liên quan về sức khỏe bản thân, sức khỏe gia đình, tiền sử dị ứng thuốc, thói quen đi tiểu, các triệu chứng có thể gặp khi đi tiểu, thậm chí là vấn đề tâm lý.

Sau đó sẽ tiến hành làm các xét nghiệm kiểm tra ban đầu bao gồm tổng phân tích nước tiểu và cấy nước tiểu tìm tác nhân vi sinh. Kết quả của các chỉ số này sẽ giúp định hướng nguyên nhân dẫn đến tình trạng đái dầm. Hầu hết ở những người mắc chứng đái dầm ban đêm, các kết quả xét nghiệm này hoàn toàn bình thường.

Điều trị

Nguồn: https://mygogoband.com/Nguồn: https://mygogoband.com/

Việc điều trị hoàn toàn phụ thuộc vào nguyên nhân gây ra tình trạng này. Các bệnh lý liên quan sẽ được điều trị qua đó khắc phục chứng đái dầm.

Nếu tiền sử bản thân và gia đình không phát hiện điều gì đặc biệt, sức khỏe tổng quát ổn định, xét nghiệm nước tiểu bình thường, một số phương pháp tiếp cận hành vi có thể được sử dụng để điều trị bao gồm:

  • Quản lý vấn đề ăn uống trước khi ngủ. Những người mắc chứng đái dầm ban đêm có thể thực hiện một số bước cơ bản để ngăn ngừa tình trạng bàng quang căng quá mức trong khi ngủ, chẳng hạn như giảm lượng chất lỏng uống vào buổi tối và tạo thói quen đi tiểu trước khi ngủ.
  • Tránh ăn các loại thực phẩm gây kích thích bàng quang bao gồm cà phê, trà, sô cô la, nước ngọt, đồ uống có ga, đồ uống trong thành phần có cafein.
  • Tác động tới tâm lý, quên đi việc mình tiểu đêm. Trước khi đi ngủ hình dung đến các hình ảnh tích cực về một đêm khô ráo, tự thưởng cho bản thân sau mỗi đêm không đái dầm. Biện pháp này có tác dụng trong một số trường hợp.
  • Sử dụng chuông báo khi đái dầm. Một chuông báo được thiết kế có tác dụng báo thức khi bắt đầu có hiện tượng ướt giường. Việc làm này lặp đi lặp lại cho đến khi tạo được thói quen thức dậy trước khi đi tiểu hoặc có khả năng nhịn tiểu tới sáng.
  • Những người có giấc ngủ sâu cần phải nhờ đến cha mẹ hoặc thành viên khác trong gia đình đánh thức họ nếu họ không nghe thấy tiếng chuông báo thức. Chìa khóa báo động chứng đái dầm là thức dậy nhanh chóng - một người thức dậy càng sớm thì việc điều chỉnh hành vi càng hiệu quả để báo cho não bộ thức dậy hoặc gửi tín hiệu bàng quang để nhịn tiểu cho đến sáng.
  • Một số loại thuốc được sử dụng để điều trị chứng đái dầm, tuy nhiên cần lưu ý thuốc chỉ dùng dể điều trị triệu chứng mà không thể làm dứt điểm tình trạng này. Có thể sử dụng ADH nhân tạo để giảm sự tích tụ nước tiểu trong đêm hoặc các loại thuốc giúp thư giãn bàng quang, cho phép nó chứa nhiều nước tiểu hơn để điều trị chứng đái dầm.

Nếu bạn mắc chứng đái dầm, hãy trao đổi với bác sĩ để được hỗ trợ khắc phục tình trạng này. Chia sẻ với cha mẹ, người thân những người có thể chia sẻ kinh nghiệm cũng như hỗ trợ bạn khắc phục tình trạng này.

Tin tốt là chứng đái dầm nhiều khả năng sẽ tự biến mất.

Tags:

Elite author
We always feel that we can do better and that our best piece is yet to be written.
Tất cả bài viết
BÀI VIẾT MỚI NHẤT