Các vắc xin cúm giúp bảo vệ bạn khỏi bệnh cúm. Vắc xin cúm được tạo ra dựa trên các chủng virus hiện tại đang lưu hành được các nhà khoa học dự đoán sẽ gây bệnh phổ biến nhất trong mùa cúm sắp tới. Do đó, các thành phần của vắc xin cúm cần được thay đổi hằng năm để đáp ứng được tính hiệu quả trong phòng ngừa bệnh cúm.
Bài viết này sẽ giúp bạn khám phá những lợi ích của vắc xin cúm, hiệu quả của nó và điều gì có thể ảnh hưởng đến hiệu quả của vắc xin.
Lợi ích của vắc xin cúm là gì?
Trước khi thảo luận về hiệu quả của vắc xin cúm, chúng ta hãy phân tích các lợi ích khác nhau của nó.
Vắc xin cúm giúp giảm nguy cơ mắc bệnh
Lợi ích chính của vắc xin cúm là nó có thể giúp bạn phòng ngừa bệnh cúm. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Hoa Kỳ ước tính rằng trong mùa cúm 2019–2020, việc tiêm vắc xin phòng cúm đã giúp ngăn ngừa bệnh cúm trên 7,52 triệu người.
Ở nhiều người, các triệu chứng của bệnh cúm thường biểu hiện ở mức độ nhẹ đến trung bình. Tuy nhiên, bệnh vẫn có thể gây khó chịu và khiến bạn gặp khó khăn trong cuộc sống hàng ngày. Cúm cũng có thể dẫn đến việc tăng số lần bạn phải đi khám bác sĩ, nghỉ học hoặc nghỉ làm.
Giúp ngăn ngừa các biến chứng nghiêm trọng
Cúm có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng như viêm phổi hoặc làm tình trạng sức khỏe của bạn trở nên tồi tệ hơn. Một số người có nguy cơ cao mắc bệnh cúm và các biến chứng nghiêm trọng do cúm bao gồm:
- Người lớn từ 65 tuổi trở lên
- Trẻ em dưới 5 tuổi
- Phụ nữ mang thai
- Những người có các bệnh lý mạn tính như: hen suyễn, bệnh tim mạch, tiểu đường
- Những người có hệ thống miễn dịch suy yếu
Tiêm vắc xin cúm có thể giúp bảo vệ những người có nguy cơ cao mắc cúm khỏi bị bệnh và ngăn ngừa những tình trạng sức khỏe xấu do cúm gây ra.
Trên thực tế, CDC ước tính rằng việc tiêm phòng cúm đã ngăn chặn 105 000 ca nhập viện trong mùa cúm 2019–2020.
Giúp làm giảm mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng cúm
Một số người được đã tiêm phòng cúm vẫn bị bệnh cúm. Tuy nhiên, có bằng chứng cho thấy các triệu chứng ở những người này có thể ít nghiêm trọng hơn.
Ví dụ, một nghiên cứu năm 2017 tại Hoa Kỳ đánh giá mức độ ảnh hưởng của việc tiêm phòng đối với mức độ nghiêm trọng của bệnh cúm ở người lớn nhập viện. Nghiên cứu đã cho thấy kết quả: tỷ lệ người bệnh tiêm chủng phải vào đơn vị hồi sức tích cực (ICU) điều trị thấp hơn và thời gian nằm viện của họ cũng được rút ngắn hơn so với những người không tiêm vắc xin phòng cúm.
Một nghiên cứu năm 2020 đã điều tra những lần nhập viện cấp cứu ở trẻ em trong mùa cúm 2018–2019. Kết quả nghiên cứu cho thấy, việc tiêm phòng cúm làm giảm số lần đến phòng cấp cứu và nhập viện liên quan đến cúm từ 40 đến 60%.
Giúp bảo vệ mọi người trong cộng đồng của bạn
Khi nhiều người trong một cộng đồng tiêm vắc xin phòng cúm, nó có thể giúp ngăn ngừa virus cúm lưu hành trong cộng đồng đó một cách hiệu quả.
Điều này được coi như một lớp bảo vệ bổ sung, đặc biệt đối với những người có nguy cơ mắc bệnh cao và những người có bệnh lý nền.
Hiệu quả của vắc xin phòng cúm như thế nào?
Hiệu quả của vắc xin cúm có thể thay đổi theo từng năm. Tại thời điểm viết bài này, mùa cúm 2020-2021 đang diễn ra. Trong những tháng tới, các nhà khoa học sẽ bắt đầu ước tính về hiệu quả của vắc xin cúm 2020-2021. Tuy nhiên, CDC Hoa Kỳ hiện có thông tin về hiệu quả ước tính của vắc xin từ các mùa cúm trước.
Biểu đồ dưới đây cho thấy hiệu quả của thuốc chủng ngừa cúm trong năm mùa cúm trước.
Hiệu quả của vắc xin cúm có khác nhau giữa các nhóm tuổi không?
Có thể có một số khác biệt về hiệu quả của vắc xin giữa các nhóm tuổi khác nhau. CDC Hoa Kỳ theo dõi dữ liệu này cũng như dữ liệu về hiệu quả tổng thể của bệnh cúm. Dưới đây là ước tính hiệu quả của tất cả các loại vắc xin ở các nhóm tuổi khác nhau trong năm mùa cúm vừa qua tại Hoa Kỳ (theo CDC).
Khi xem xét các nghiên cứu về hiệu quả của vắc xin, điều quan trọng chúng ta cần lưu ý là kết quả có thể bị ảnh hưởng bởi một số yếu tố. Những yếu tố này có thể bao gồm đặc điểm dân số, mùa cúm cụ thể và cách thức tiến hành nghiên cứu.
Vắc xin cúm dạng xịt mũi có hiệu quả như vắc xin cúm dạng tiêm không?
Vắc xin dạng xịt và vắc xin dạng tiêm. Nguồn: gettyimages.comCó một số loại vắc xin cúm khác nhau. Trong đó, vắc xin dạng tiêm được sử dụng rất phổ biến. Những vắc xin này chứa virus cúm bất hoạt (“chết”) hoặc chỉ có các protein virus đơn lẻ.
Gần đây, chúng ta còn có thêm vắc xin dạng xịt mũi. Nó được tạo thành từ virus đã bị suy yếu nên không thể lây nhiễm. Loại vắc xin này được gọi là FluMist hoặc vắc xin cúm sống giảm độc lực (live-attenuated influenza vaccine - LAIV).
Trong những năm trước, vắc xin dạng xịt không được khuyến khích sử dụng. Do chúng có biểu hiện kém hiệu quả hơn đối với trẻ em trong việc chống lại một số loại virus cúm.
Tuy nhiên, gần đây đã có những cải tiến trong việc sản xuất loại vắc xin này và một số dữ liệu chỉ ra rằng hiệu quả của vắc xin xịt mũi hiện nay tương tự như vắc xin dạng tiêm.
Do đó, vắc xin dạng xịt qua mũi đã được khuyến cáo sử dụng kể từ mùa cúm 2018–2019. Trên thực tế CDC cho rằng không có sự ưu tiên loại vắc xin này hơn loại vắc xin khác cho mùa cúm 2020-2021.
Có yếu tố nào có thể ảnh hưởng đến mức độ hoạt động của vắc xin cúm hay không?
Ở phần trên, chúng tôi đã thảo luận rằng hiệu quả của vắc xin cúm có thể thay đổi theo từng năm. Chúng ta hãy đi sâu hơn vào lý do tại sao lại như vậy.
Các chủng cúm được chọn để sản xuất vắc xin
Virus cúm luôn thay đổi. Do đó, các chủng cúm phổ biến trong mùa cúm năm ngoái có thể không phổ biến trong mùa cúm hiện tại.
Đầu năm, các nhà khoa học họp để chọn ra các chủng virus đưa vào vắc xin cúm cho các quốc gia ở Bắc bán cầu, bao gồm cả Hoa Kỳ. Các cuộc họp này được tổ chức vào đầu năm vì các nhà sản xuất vắc xin cần thời gian sản xuất chúng, nhằm đảm bảo số lượng vắc xin sẵn sàng cho đầu mùa cúm (mùa thu).
Các chủng virus được dự đoán có thể là những chủng phổ biến nhất cho mùa cúm sắp tới dựa trên cơ sở những dữ liệu nghiên cứu ở thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, đôi khi các chủng được chọn không thực sự khớp với các chủng thực tế phổ biến nhất trong mùa cúm tiếp đó. Khi điều này xảy ra, hiệu quả của vắc xin có thể thấp. Tuy nhiên, nếu các chủng được chọn là phù hợp thì hiệu quả của vắc xin sẽ cao hơn.
Phân loại virus cúm
Vắc xin cúm bảo vệ chống lại hai loại virus cúm: cúm A và cúm B .
Virus cúm A rất đa dạng và được chia thành nhiều phân nhóm khác nhau. Hai phân nhóm quen thuộc mà chúng ta hay gặp là H1N1 và H3N2 .
Thông thường, vắc xin cúm có khả năng bảo vệ tốt đối với các chủng cúm B và H1N1. Tuy nhiên, chúng có tác dụng bảo vệ kém hơn đối với các chủng H3N2. Do H3N2 thường có những biến đổi trong di truyền khá nhanh chóng.
Một nghiên cứu đánh giá năm 2016 đã xem xét 142 nghiên cứu về hiệu quả của vắc xin cúm theo loại cúm. Nghiên cứu đã cho thấy:
- Hiệu quả của vắc xin chống lại các chủng H3N2 chỉ là 33%.
- Trong khi đó, hiệu quả của vắc xin tương ứng là 54% và 61% đối với các chủng cúm B và H1N1.
- Khi vắc xin H3N2 được tạo ra bởi các chủng virus khớp với các chủng trong điều kiện thực tế, hiệu quả của vắc xin vẫn chỉ là 33%. Khi vắc xin được điều chế bởi các chủng virus không phù hợp, hiệu quả giảm xuống còn 23%.
Vì vậy, nếu các chủng H3N2 phổ biến hơn trong mùa cúm so với các loại cúm khác, thì hiệu quả của vắc xin có thể thấp hơn.
Yếu tố cá nhân
Các yếu tố cá nhân, như tuổi tác và sức khỏe tổng thể của bạn, cũng có thể ảnh hưởng đến hiệu quả của vắc xin. Ví dụ, người lớn tuổi có xu hướng phản ứng yếu hơn với việc tiêm phòng virus cúm.
Để giải quyết vấn đề này, cần có vắc xin cúm liều cao cho người lớn từ 65 tuổi trở lên.
Các nghiên cứu quy mô lớn về hiệu quả của vắc xin trong dân số Hoa Kỳ đã phát hiện ra rằng vắc xin liều cao có hiệu quả hơn một chút so với vắc xin liều tiêu chuẩn.
Ai cần sử dụng vắc xin cúm?
Các khuyến nghị hiện tại đối với mùa cúm 2020-2021 là tất cả các đối tượng từ 6 tháng tuổi trở lên đều cần được nhận vắc xin phòng cúm. Không có loại vắc xin nào được khuyên dùng hơn loại khác.
Vắc xin cúm đặc biệt quan trọng đối với những người có nhiều nguy cơ bị bệnh nặng do cúm, bao gồm:
- Người lớn từ 65 tuổi trở lên
- Trẻ em dưới 5 tuổi
- Phụ nữ mang thai
- Những người có tình trạng sức khỏe mãn tính, chẳng hạn như hen suyễn , bệnh tim và tiểu đường
- Những người có hệ thống miễn dịch suy yếu
Tiêm phòng cúm và COVID-19
Tiêm vắc xin cúm là đặc biệt quan trọng trong đại dịch COVID-19 vì một số nguyên nhân sau:
- Vắc xin cúm có thể giúp bảo vệ bạn khỏi bị bệnh cúm, bệnh có các triệu chứng tương tự như COVID-19.
- Lợi ích của việc tiêm phòng cúm có thể giúp bạn không phải đi khám bệnh, do đó giúp bảo tồn nguồn lực y tế cho những người bị bệnh COVID-19 hoặc các tình trạng sức khỏe khác.
Vắc xin cúm có hiệu quả trong bao lâu?
Nhìn chung, vắc xin cúm sẽ bảo vệ bạn qua mùa cúm hiện tại . Bạn sẽ cần phải tiêm nhắc lại cho mùa cúm tiếp theo. Một số lý do cho việc này có thể kể đến sau đây.
Thứ nhất, virus cúm luôn thay đổi liên tục. Do đó, các chủng virus có trong vắc xin cúm năm nay có thể không phải là chủng phổ biến nhất trong mùa cúm năm sau.
Thứ hai, mức độ bảo vệ (miễn dịch) do vắc xin cúm tạo ra sẽ giảm dần theo thời gian.
Ví dụ, một nghiên cứu năm 2019 phát hiện ra rằng, trong suốt bảy mùa cúm, cứ sau 28 ngày kể từ ngày tiêm phòng, tỷ lệ xét nghiệm dương tính với cúm lại tăng 16%.
Khi nào là thời điểm tốt nhất để tiêm phòng?
Trung tâm phòng ngừa bệnh tật (CDC) khuyên bạn nên tiêm phòng cúm vào cuối tháng 10 hàng năm. Tuy nhiên, việc tiêm phòng muộn hơn thời điểm này vẫn có thể giúp bạn tạo ra một hàng rào bảo vệ có giá trị.
Một nguyên tắc quan trọng bạn cần ghi nhớ là không nên tiêm phòng sớm, chẳng hạn như vào tháng Bảy hoặc tháng Tám. Do khả năng miễn dịch được tạo ra bởi vắc xin suy giảm theo thời gian. Vì vậy, bạn có thể có nguy cơ mắc bệnh cúm vào cuối mùa cao hơn nếu bạn tiêm vắc xin quá sớm.
Điểm mấu chốt
Tiêm vắc xin giúp bảo vệ bạn khỏi bị bệnh cúm. Nó cũng có thể làm giảm mức độ nghiêm trọng khi bị bệnh. Bên cạnh đó, vắc xin cúm cũng có thể giúp ngăn chặn virus cúm lây lan rộng rãi trong cộng đồng.
Hiệu quả của vắc xin cúm thay đổi theo từng năm do một số yếu tố. Nó có thể bị ảnh hưởng bởi sự tiến hóa của virus và bởi các chủng virus không được dự đoán chiếm ưu thế trong năm. Các yếu tố cá nhân như tuổi tác và sức khỏe cũng có liên quan tới hiệu quả của vắc xin phòng cúm.
Virus cúm luôn thay đổi và khả năng miễn dịch do vắc xin cúm tạo ra sẽ suy giảm theo thời gian, bạn sẽ cần tiêm vắc xin cúm mới hàng năm, thời điểm tốt nhất là vào cuối tháng 10.
Xem thêm: