Tôi có thể bị rỉ ối không?
Có. Khi mang thai, túi ối có thể bị vỡ và rò rỉ nước ối trước khi có hiện tượng chuyển dạ. Nếu điều đó xảy ra, bạn có thể thuộc một trong hai trường hợp sau:
PROM: Đây là viết tắt của từ vỡ ối sớm hay còn gọi là vỡ ối non sau 37 tuần của thai kỳ (khi thai được coi là đủ tháng). PROM xảy ra chiếm khoảng từ 8 đến 15 % các trường hợp mang thai.
PPROM: Đây là viết tắt của từ vỡ ối non tháng, có nghĩa là bạn vỡ ối trước tuần thứ 37 của thai kỳ. PPROM nghiêm trọng hơn vì nó có thể dẫn đến chuyển dạ và sinh non, chỉ xảy ra ở khoảng 3% các trường hợp mang thai.
Nước ối bảo vệ và làm môi trường đệm cho em bé phát triển trong bụng mẹ. Lượng dịch ối tăng lên trong thai kỳ, tăng cao nhất là khoảng tuần thai thứ 36, khi đó lượng ối đạt khoảng 1 lít. Sau 36 tuần, số lượng dịch ối giảm đi một chút.
Thông thường, khi vỡ ối, quá trình chuyển dạ sẽ sớm bắt đầu. Nếu quá trình chuyển dạ không bắt đầu trong vòng 6 đến 12 giờ kể từ khi vỡ ối, nguy cơ nhiễm trùng thai sẽ tăng lên.
Nếu bạn được chẩn đoán ối vỡ sớm (PROM) hoặc ối vỡ non tháng trước 37 tuần (PPROM), bạn sẽ phải được theo dõi tại bệnh viện cho đến khi sinh con.
Ối vỡ non trước hoặc sau 37 tuần có nguy hiểm không?

PROM hoặc PPROM thường có thể kiểm soát được mà không gây ra vấn đề nghiêm trọng đe dọa tính mạng mẹ và con, nhưng các biến chứng có thể xảy ra khá phức tạp:
- Thắt dây rốn, khi túi thai không đủ nước ối.
- Nhiễm trùng nhau thai
- Nhau bong non
- Nhiễm trùng hậu sản
- Những rủi ro cao nhất của PPROM chính là sinh non. Ôi vỡ non tháng trước 37 tuần cũng kèm theo nguy cơ sinh khó, với ngôi mông hoặc một tư thế sinh bất thường khác.
Nguyên nhân gây ra ối vỡ non
PROM thường được gây ra bởi các cơn co thắt tử cung làm suy yếu màng ối. Nó thường xảy ra mà không có bất kỳ yếu tố nguy cơ hoặc nguyên nhân rõ ràng. Tuy nhiên, một số phụ nữ có nguy cơ mắc PPROM cao hơn những người khác. Những đối tượng nguy cơ cao gây ối vỡ non tháng trước 37 tuần như:
- Có tiền sử PPROM trong lần mang thai trước đó
- Hút thuốc lá khi mang thai
- Chảy máu âm đạo trong ba tháng giữa và cuối thai kỳ
- Bị nhiễm trùng tử cung, cổ tử cung, âm đạo hoặc nhiễm trùng ối
- Thiếu cân (có chỉ số BMI thấp) với chế độ dinh dưỡng kém
- Có chiều dài cổ tử cung ngắn
- Sử dụng ma túy bất hợp pháp
Có những lý do nào khác khiến nước ối ít không?
Có, dịch ối có thể ít (thiểu ối) ngoài lý do bị vỡ ối. Lượng nước ối thấp được gọi là thiểu ối. Nguyên nhân phổ biến nhất của thiểu ối trong ba tháng cuối thai kỳ là PROM / PPROM. Nhưng có những nguyên nhân khác có thể xảy ra, bao gồm các vấn đề với nhau thai, sinh con nhẹ cân (trẻ nhẹ cân sản xuất ít nước ối hơn) và quá ngày dự sinh.
Thiểu ối do vỡ ối thường vô hại. Nhưng thiếu nước ối có thể khiến dây rốn bị quấn chặt (do dịch ối là môi trường chứa thai và dây rốn), thai có nguy cơ không nhận đủ oxy và dinh dưỡng, gây chậm phát triển thai nhi.
Thiểu ối do PPROM cũng là một vấn đề khi ối vỡ non tháng xảy ra quá sớm trong thai kỳ. Nước ối cần thiết để giúp phổi của em bé trưởng thành. Việc thiếu nước ối trong trường hợp này cũng có thể gây dị tật bẩm sinh, sẩy thai hoặc thai chết lưu.
Nước ối
Nước ối không mùi và trong, đôi khi có lẫn máu hoặc chất nhầy. Nước ối bị nhiễm trùng có thể có mùi hôi.
Nước ối có màu xanh lá cây hoặc nâu có thể là do phân su do em bé thải ra. Điều này có thể gây ra các vấn đề về hô hấp cho em bé trong khi sinh.
Cách nhận biết hiện tượng rỉ ối
Bạn có thể nhận biết bằng cách quan sát và ngửi mùi dịch, tuy nhiên vẫn khó có thể phân biệt giữa nước ối và nước tiểu. Chúng có các mùi khác nhau: Nước tiểu có mùi giống như amoniac, trong khi nước ối thường có mùi nhẹ và thậm chí là ngọt. Nước ối có thể trông hơi vàng và nước tiểu rất loãng nhìn cũng khá trong, nên bạn khó có thể phân biệt được bằng màu sắc.
Dưới đây là cách phát hiện rỉ ối tại nhà bạn có thể tự thực hiện:
Đi hết nước tiểu trong bàng quang, đặt một miếng băng vệ sinh trong quần lót.
Đeo miếng lót trong khoảng nửa giờ trở lên, sau đó kiểm tra xem có chất dịch chảy ra trên băng không. Nếu có chảy dịch màu vàng, đó có thể là nước tiểu; nếu nó trông trắng trong không màu, đó có thể là nước ối. Nhưng điều này có thể không khả thi, vì vậy nếu bạn bị ra dịch ướt băng vệ sịnh, hãy gọi cho bác sĩ hoặc đi khám.
Một cách khác để kiểm tra là siết chặt cơ sàn chậu như nhịn tiểu. Nếu bạn ngừng rò rỉ dịch, có thể dịch trước đó là nước tiểu. Nếu bạn vẫn bị rò rỉ, rất có thể đó là nước ối.
Tôi có nên gọi cho bác sĩ hoặc đi khám ngay nếu tôi nghĩ rằng mình đang bị rò rỉ nước ối không?

Có. Hãy gọi cho bác sĩ hoặc đi khám ngay nếu bạn bị vỡ ối hay rỉ nước ối vào bất kỳ thời điểm nào trong thai kỳ. Hãy mô tả với bác sĩ thời điểm rỉ ối và dịch tiết ra có màu gì.
Để tránh đưa vi khuẩn vào âm đạo, không sử dụng băng vệ sinh hoặc thụt rửa hoặc quan hệ tình dục trước khi đi khám.
Khám và các xét nghiệm cần thiết
Bác sĩ có thể chẩn đoán rỉ ối bằng cách xét nghiệm nước ối. Có một số phương pháp để kiểm tra nước ối thông qua việc khám phụ khoa bằng mỏ vịt vô trùng:
- Khám: Bác sĩ sẽ đưa mỏ vịt vào và xem xét cổ tử cung. Chất dịch sẽ chảy ra từ cổ tử cung và đọng lại bên trong mỏ vịt.
- Kiểm tra độ pH của dịch. Test này giúp kiểm tra độ axit và base của chất dịch. Nước ối có độ pH cao hơn dịch âm đạo bình thường.
- Xét nghiệm dịch phết cổ tử cung: Nước ối khi đã khô sẽ có hình lá dương xỉ dưới kính hiển vi.
- Xét nghiệm nhuộm soi dịch ối: Nếu bác sĩ nghi ngờ dịch tiết là dịch ối nhưng tất cả các xét nghiệm khác đều không có kết quả, bác sĩ có thể tiêm thuốc nhuộm màu xanh vào túi ối và yêu cầu bạn đeo băng vệ sinh. Nếu thuốc nhuộm xuất hiện trên miếng lót, điều đó có nghĩa là bạn đang bị rò rỉ nước ối. Thử nghiệm này hiếm khi được thực hiện.
- Bác sĩ sẽ siêu âm thai để xác định lượng ối bao quanh em bé.
Xử trí và điều trị
Việc xử lý thai kỳ và hiện tượng rỉ ối như thế nào sẽ phụ thuộc vào quãng đường từ nhà tới cơ sở y tế sản phoa gần nhất, tình trạng của thai nhi ra sao và liệu sản phụ có các dấu hiệu của các biến chứng khác, chẳng hạn như nhiễm trùng hoặc bong nhau thai hay không.
- Nếu thai được ít nhất 37 tuần, bác sĩ có thể chỉ định sinh con bằng phương pháp kích thích hoặc mổ lấy thai chủ động, tùy thuộc vào tiền sử của mẹ.
- Nếu thai đang trong khoảng từ 34 đến 37 tuần và sản phụ đang bị rò rỉ nước ối, bác sĩ có thể chỉ định gây chuyển dạ và sinh sớm (để tránh nhiễm trùng), hoặc có thể cố gắng trì hoãn việc sinh nở để em bé có cơ hội phát triển thêm. Mẹ và em bé sẽ được theo dõi cẩn thận trong thời gian này.
- Nếu bạn từ 24 đến 34 tuần, bác sĩ sẽ cố gắng trì hoãn quá trình chuyển dạ và sinh nở. Bác sĩ sẽ chỉ định:
- Thuốc kháng sinh để kéo dài thời gian trì hoãn và tránh nhiễm trùng trong thời gian từ khi vỡ ối đến khi đẻ
- Steroid để giúp phổi của trẻ trưởng thành trong trường hợp sinh non
- Magnesium sulfate (trước 32 tuần) để giảm nguy cơ suy giảm thần kinh ở em bé
Bác sĩ sẽ theo dõi mẹ và em bé trong bệnh viện. Khi em bé đủ cứng cáp, quá trình chuyển dạ sẽ được tiến hành.
Nếu thai đang trong khoảng từ 23 hoặc 24 tuần và bị rỉ ối, bác sĩ sẽ thảo luận về triển vọng của thai nhi và hỏi ý kiến của mẹ về các lựa chọn cho thai kỳ. Em bé sẽ được coi là cực kỳ non tháng nếu được sinh ra vào thời điểm này, mặc dù em bé có thể sống sót bên ngoài tử cung khi thai được khoảng 23 tuần.