Lẽ đương nhiên, khi đau răng, người ta tất phải tìm đến nha sĩ để khám và xử lý. Tuy nhiên, trong một số trường hợp chưa thể đi khám, bạn có thể tự day bấm một số huyệt vị nhằm làm giảm những cơn đau ở một chừng mực nhất định. Vậy để đạt được hiệu quả giảm đau như mong muốn, người bệnh cần tiến hành thủ thuật day bấm huyệt như thế nào? Dưới đây, xin giới thiệu một số lưu ý và cách thực hiện đơn giản nhất để bạn đọc có thể tham khảo và vận dụng khi cần thiết.
Bấm huyệt là gì?

Bấm huyệt có nền tảng trong y học cổ truyền Trung Quốc với lịch sử hơn 2000 năm. Bấm huyệt là liệu pháp sử dụng lực bấm của đôi bàn tay, tác động lên các vị trí huyệt đạo đã được xác định trên cơ thể. Bằng cơ chế tác động thông qua hệ thống kinh lạc để điều chỉnh những rối loạn và thúc đẩy cân bằng âm dương trong cơ thể, bấm huyệt đem tới những tác dụng tuyệt vời như: Giải toà căng thẳng, thư giãn cơ, cải thiện nhanh các triệu chứng đau nhức,…
Cách bấm huyệt trị đau răng
Bấm huyệt có thể được thực hiện tại nhà hoặc tại các cơ sở trị liệu đông y. Nếu bạn lựa chọn cách bấm huyệt trị đau răng tại nhà, điều quan trọng là bạn phải kiên nhẫn và thực hiện đúng kỹ thuật. Dưới đây là một số lời khuyên dành cho bạn:
- Tìm một vị trí thoải mái và cố gắng thư giãn bằng cách nhắm mắt, hít thở sâu.
- Dùng lực ấn vừa đủ để xoa bóp huyệt đạo.
- Xoa bóp từng huyệt trong vài phút theo chuyển động tròn hoặc lên xuống.
- Lặp lại động tác xoa bóp miễn là bạn cảm thấy thoải mái hoặc cho đến khi cơn đau giảm bớt.
- Nếu việc bấm huyệt khó thực hiện một mình, hãy nhờ sự giúp đỡ từ người thân hoặc bạn bè.
- Dừng lại nếu cơn đau dữ dội hơn.
5 điểm bấm huyệt giảm đau răng
Huyệt Quyền liêu (SI18)
Huyệt Quyền liêu là huyệt được sử dụng rộng rãi nhất để điều trị đau răng, sưng lợi và sâu răng. Điểm này nằm ở chỗ lõm bên dưới điểm cao nhất của xương gò má. Cách đơn giản để xác định huyệt Quyền liêu là dóng lấy đường ngang qua chân cánh mũi và đường dọc qua khoé mắt, giao điểm của hai đường này là vị trí huyệt cần tìm.
Huyệt quyền liêu, nguồn https://curenowforever.com
Huyệt Kiên tỉnh (GB21)
Huyệt nằm ở điểm trên cùng của vai, giữa đầu vai và cổ. Bấm huyệt Kiên Tỉnh có thể giúp chữa đau mặt, đau cổ, nhức đầu.

Huyệt Hợp cốc (LI4)
Huyệt Hợp cốc nằm ở phần lõm tam giác giữa ngón trỏ và ngón cái. Xác định vị trí huyệt Hợp cốc bằng cách khép ngón tay trỏ và ngón cái vào nhau, vị trí của huyệt nằm ở điểm cao nhất của phần cơ nối giữa ngón trỏ và ngón cái. Huyệt này có tác dụng giảm căng thẳng, đau đầu và đau cổ.

Huyệt Giáp xa (ST6)
Huyệt Giáp xa, nguồn https://acupressurepointsguide.com
Huyệt giáp xa có vị trí nằm tại khu vực giữa của xương quai hàm ở má. Khi nhai vị trí này sẽ bị lõm xuống. Huyệt đạo này có tác dụng trong việc chủ trị các vị trí đau xuất hiện tại cằm cổ và mặt. Đây là huyệt giảm đau răng rất tốt.
Huyệt Túc tam lý (ST36)
Huyệt Túc tam lý là huyệt đạo nằm bên dưới đầu gối. Khi úp lòng bàn tay lên đầu gối, đầu ngón tay giữa chạm vào xương chày từ đó hơi nhích ra phía ngoài một ít là huyệt.
Huyệt Túc tam lý, nguồn https://balancedacupuncture.com.au
Lưu ý cần nhớ khi bấm huyệt chữa đau răng
Bấm huyệt chữa đau răng là cách đơn giản có thể kiểm soát cơn đau và một số khó chịu đi kèm. Tuy nhiên không nên sử dụng thay cho việc đi khám bác sĩ. Không tiếp tục bấm huyệt nếu bạn đang cảm thấy cực kỳ đau trong khi thực hành.
Cần liên hệ ngay với bác sĩ khi:
- Cơn đau của bạn đang trở nên tồi tệ hơn hoặc không thể chịu đựng được
- Bạn bị sốt
- Sưng trong miệng, mặt hoặc cổ
- Bạn đang gặp khó khăn khi nuốt hoặc thở
- Chảy máu từ miệng
Tổng kết
Khám răng, nguồn https://www.shutterstock.comBấm huyệt trị đau răng chỉ là phương pháp tạm thời, giúp giảm bớt đau nhức. Cách chữa này không thể điều trị tận gốc nguyên nhân gây ra tình trạng đau răng. Do đó, tốt hơn hết bạn nên tới gặp bác sĩ chuyên khoa để được thăm khám và điều trị.
Để đẩy lùi tình trạng đau nhức răng và hạn chế được các bệnh răng miệng, bạn cần vệ sinh răng miệng đúng cách và ăn uống điều độ.