Một nửa số phụ nữ gặp phải các triệu chứng chuyển dạ sớm sẽ không có bất kỳ thay đổi nào ở cổ tử cung và các cơn co thắt thường biến mất mà không cần điều trị.
Phụ nữ có nguy cơ chuyển dạ sớm cao
Mặc dù rất khó để biết đối tượng nào sẽ chuyển dạ sớm, nhưng một số yếu tố nguy cơ bao gồm:
- Hút thuốc lá.
- Sử dụng ma túy và chất kích thích bất hợp pháp, ví dụ như cần sa, dụng môi đường hít.
- Tiền sử sinh non trước đây.
- Sinh con cách nhau dưới 18 tháng.
- Đa thai, sinh đôi, sinh ba,...
- Một số bệnh nhiễm trùng, ví dụ như nhiễm trùng đường tiết niệu.
- Tiền sử phẫu thuật cổ tử cung.
- Chảy máu tử cung khi mang thai.
- Vỡ ối sớm.
- Bất thường của tử cung như u xơ tử cung.
- Đa ối.
- Thiếu máu trung bình đến nặng trong thời kỳ đầu của thai kỳ.
- Phẫu thuật bụng khi mang thai.
- Bất thường của thai nhi.
Dấu hiệu nhận biết chuyển dạ sớm

Như với bất kỳ cuộc chuyển dạ đủ tháng nào, những dấu hiệu và triệu chứng mà bạn có thể gặp phải cho thấy quá trình khởi phát chuyển dạ đã bắt đầu.
Cơn co tử cung
Bạn có thể đã cảm thấy tử cung co bóp thắt chặt trong suốt thai kỳ, chúng được gọi là cơn co Braxton Hicks khá khác với những cơn co thắt đau đớn khi chuyển dạ. Các cơn co tử cung thường kéo dài hơn 30 giây và diễn ra đều đặn. Quá trình chuyển dạ cũng có thể bắt đầu bằng cơn đau bụng dưới hoặc đau thắt lưng dưới liên tục (cảm giác đau nhức, nặng nề mà một số phụ nữ gặp phải trong chu kỳ kinh nguyệt hàng tháng).
Sau khi sinh hoạt tình dục, tử cung có thể bị kích thích và xuất hiện một số cơn co thắt rồi nhanh chóng lắng xuống.
Nếu mang thai dưới 37 tuần, quá trình chuyển dạ có thể tiến triển nhanh hơn so với thai đủ tháng. Hãy liên hệ với bác sĩ ngay nếu xuất hiện các cơn co thắt thường xuyên.
Bong nút nhầy cổ tử cung
Khi chất nhầy trong cổ tử cung (chất giúp bịt kín tử cung trong thời kỳ mang thai) tiết ra ngoài dưới dạng dịch âm đạo, được gọi là "bong nút nhầy cổ tử cung". Đây có thể là một dấu hiệu sớm của chuyển dạ, nhưng cũng có thể xảy ra vài tuần trước khi bắt đầu chuyển dạ. Chất nhầy thường dính kèm với máu cũ và không đáng lo ngại. Tuy nhiên, bất kỳ trường hợp mất máu nào, đặc biệt nếu không lẫn với chất nhầy, nên thông báo ngay cho bác sĩ sản phụ khoa.
Vỡ màng ối
Túi nước ối bao bọc thai nhi có thể bị vỡ trước khi bắt đầu chuyển dạ, được gọi là màng ối "vỡ nước". Nếu điều này xảy ra, sẽ thấy âm đạo rỉ ối từ từ hoặc chất lỏng chảy ra đột ngột không thể kiểm soát được. Trong trường hợp chảy dịch âm đạo bất thường, hãy sử dụng băng vệ sinh sạch (không phải tăm bông) để thấm chất lỏng và liên hệ cho bác sĩ ngay. Bác sĩ sẽ thăm khám và hỏi lượng dịch, màu sắc (giống màu vàng rơm hoặc hơi vàng như nước tiểu), mùi (mùi ngọt hoặc mùi khai), cử động của thai nhi và tiền sử sản phụ khoa.
Xử trí dọa sinh non
Sản phụ sẽ được bác sĩ đánh giá và kiểm tra toàn diện như:
- Theo dõi nhịp tim của bé bằng máy đo tim thai (CTG).
- Dùng mỏ vịt kiểm tra xem cổ tử cung đã mở hay không nếu nước ối đã bị vỡ.
- Quan sát các cơn co thắt tử cung.
- Một số xét nghiệm có thể giúp xác định xem có khả năng sinh non hay không bao gồm cả xét nghiệm dịch âm đạo hoặc chụp cắt lớp vi tính.
Hướng điều trị

Vì chuyển dạ sớm có thể tiến triển nhanh hơn chuyển dạ đủ tháng nếu có nguy cơ sinh non cần được nhập viện để tiếp tục theo dõi và xử trí.
Trong trường hợp mang thai từ 24 đến 34 tuần, sẽ được tiêm 2 mũi steroid cách nhau 12 giờ. Steroid được sử dụng để cải thiện tốc độ trưởng thành phổi nhằm giảm bớt tình trạng khó thở sau sinh của trẻ sinh non và mất khoảng 24 giờ mới có hiệu quả.
Ngoài ra, có thể được bác sĩ chỉ định dùng thuốc Nifedipin để làm chậm hoặc ngừng chuyển dạ. Đây là một loại thuốc giãn cơ trơn do đó giúp ngăn tử cung co thắt.
Phụ nữ dưới 30 tuần và có nguy cơ sinh non có thể được điều trị bằng Magie sulphate tiêm tĩnh mạch trong 24 giờ giúp cải thiện cơ hội sống sót của trẻ và giảm nguy cơ biến chứng sau sinh.
Quá trình chuyển dạ kéo dài
Nếu quá trình chuyển dạ không thể dừng lại, em bé có thể sẽ được sinh ra sớm. Trẻ có ngôi thai đầu trước và không có yếu tố liên quan nào khác thì có khả năng sinh bằng đường âm đạo. Tuy nhiên, sinh mổ có thể được khuyến nghị trong nhiều trường hợp khác nhau nếu giúp giảm nguy cơ cho cả mẹ và bé. Có khả năng trẻ cần được chăm sóc trong đặc biệt tại khoa sơ sinh của bệnh viện.
Bất cứ khi nào có thể, bác sĩ chuyên khoa sơ sinh sẽ trao đổi với bạn và gia đình trước khi sinh em bé. Bác sĩ sẽ thảo luận về sự chăm sóc mà trẻ sẽ cần và khả năng có bất kỳ biến chứng lâu dài nào.
Quá trình chuyển dạ kết thúc
Nếu tình trạng mẹ ổn định và theo dõi tại nhà, có thể được bác sĩ khuyên tránh quan hệ tình dục cho đến khi sinh con. Để biết thêm chi tiết vấn đề này hãy trao đổi với bác sĩ.
Tóm lại, nếu bạn nghĩ rằng mình có thể đang có dấu hiệu chuyển dạ sớm, tốt nhất nên liên hệ ngay với bác sĩ hoặc đến bệnh viện để được thăm khám và xử trí kịp thời.